Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sống lại một nhà máy
19 | 07 | 2010
Sẽ dành quỹ đất 5.000ha cho phát triển cây mía Sơn La - đó là công bố của ông Cầm Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tại hội nghị tổng kết vùng nguyên liệu mía năm 2010 của Cty cổ phần mía đường Sơn La, bởi cây mía đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là những hộ dân tái định cư thuỷ điện Sơn La.

Sống lại một nhà máy

Việc phát triển “nóng vội” ngành mía đường, cùng sự thiếu quan tâm đầu tư đồng bộ phát triển cho vùng nguyên liệu, kiến thức canh tác trong lĩnh vực này đã làm cho hàng loạt dự án mía đường thất bại, gây bất ổn về kinh tế - xã hội tại các địa phương và dư luận. Nhiều nhà máy đường đã rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề, người nông dân nhiều nơi mất niềm tin vào cây mía.

Chung trong hoàn cảnh đó, Nhà máy đường Sơn La đã từng đứng bên bờ vực phá sản mà địa phương không có khả năng tháo gỡ, dù biết rằng nếu điều đó diễn ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc với 16.000 lao động trồng mía ở các địa bàn nghèo của tỉnh như huyện Yên Châu, Mai Sơn...

Được sự chỉ đạo của Chính phủ, từ cuối năm 2007, Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) - Bộ Tài chính đã tiến hành xử lý các khoản nợ của nhà máy đường Sơn La. DATC đã khẩn trương tái cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) từ tổ chức nhân sự cho đến việc tìm lại thị trường tiêu thụ sản phẩm và khôi phục lại vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Sau khi tiến hành cổ phần hoá từ tháng 1.2008, DATC lập phương án sản xuất và cam kết với các cổ đông của Công ty cổ phần mía đường Sơn La: Sẽ trả hết các món nợ gần 80 tỉ đồng tồn đọng của quá khứ trong thời hạn 5 năm. Những điều kỳ diệu đã xảy ra trên vùng đất nghèo Sơn La, mới đến tháng 5.2009, Công ty đã thanh toán được hết những món nợ đầu tư nhà máy mà địa phương đã từng lo phải phá sản vì chẳng biết bao giờ trả hết nổi món nợ khổng lồ.

Mía đã ngọt lại ở Sơn La

Một trong những yếu tố thành công của Công ty cổ phần mía đường Sơn La là việc xây dựng và ổn định được vùng nguyên liệu cho nhà máy. Niên vụ 2008/2009, Công ty tổ chức đầu tư được 2.752,2ha mía tại Sơn La, thu hoạch được 117.520 tấn mía cây.

Ông Phạm Ngọc Thao - đại diện phần vốn của DATC, Chủ tịch HĐQT Công ty - cho biết: Công ty đã áp dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc để bà con tiếp tục gắn bó với cây mía nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy, như: Hỗ trợ phân vi sinh bón lót; hỗ trợ giá chênh lệch mía giống; hỗ trợ phần lãi suất vay vốn; các hộ trồng mía cần ứng trước tiền bán mía đều được đáp ứng theo nguyện vọng... Cty đã xây dựng được cơ chế chính sách giá mua mía hợp lý đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân và DN... Chính từ những việc làm gắn bó với với đồng bào, niên vụ 2009/2010 Cty đã ký hợp đồng được với 23 xã, 133 bản đồng bào dân tộc ở địa phương trồng mía nguyên liệu cho Cty, hình thành nên vùng nguyên liệu ổn định.

Ông Lò Văn Pằn - ở bản Bó Hạc, xã Cò Nòi - kể: Gia đình có 3ha trồng mía, năm vừa qua thu hoạch được 180 tấn thu lãi được 65 triệu đồng và còn lá, ngọn mía dành để nuôi cá, nuôi bò. Cây mía đã giúp gia đình ông làm giàu. Được biết, bản Kho Lay ở xã Hát Lót chỉ có 34ha đất dốc bạc màu trước đây trồng sắn, ngô năng suất không cao. Dân bản dù rất chăm chỉ gieo trồng, nhưng vẫn không vươn lên được, cả bản có tới 50 hộ nghèo. Từ khi chuyển sang trồng mía nguyên liệu cho nhà máy, mỗi năm dân bản thu lãi hơn 1,4 tỉ đồng, lại còn ngọn, lá mía cho chăn nuôi. Cây mía giúp nhiều hộ xây được nhà kiên cố.

Thấy được lợi ích cây mía mang lại cho đồng bào ở địa phương, chính quyền địa phương đã có những quyết sách thay đổi lớn đối với cây mía trên vùng đất Sơn La. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Cầm Văn Chính cho biết: Thời gian vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Cty lập quy hoạch và trong tháng 8 hoặc tháng 9, UBND tỉnh sẽ phê duyệt chính thức quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh với diện tích từ 4.500 – 5.000ha. Sơn La đã đưa cây mía vào 5 nhóm cây chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, bởi cây mía đã góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương, nên Sơn La sẽ có sự quan tâm thích đáng.

Cũng theo ông Cầm Văn Chính, hiện nhiều bà con dân tộc ở các khu tái định cư thuỷ điện Sơn La đã tham gia trồng mía cho Công ty cổ phần mía đường Sơn La, UBND tỉnh mong Cty có chính sách hỗ trợ riêng cho đồng bào để giúp bà con sớm yên tâm tại nơi ở mới. Công ty cũng cần quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban, ngành để cùng phối hợp lồng ghép nhiều chương trình phát triển KTXH, nhằm góp phần ổn định cuộc sống của bà con các dân tộc.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường