Giới chuyên gia cảnh báo, hiện tượng tranh nhau mua đường tại các siêu thị ở Thái Lan đang báo hiệu một tương lai không sáng sủa về nguồn cung đường trong thời gian tới.
Do bị ảnh hưởng bởi hạn hán và các yếu tố khác, tình trạng thiếu đường trong nước Thái Lan khiến một số siêu thị đặt ra giới hạn tối đa mỗi hộ gia đình chỉ được mua hai kg đường. Một số bà nội trợ đề nghị các thành viên trong gia đình đi đến các siêu thị khác nhau để mua được nhiều đường hơn.
Sở dĩ có giới hạn mua đường cho từng hộ gia đình là do tình trạng thiếu đường trong nước buộc Chính phủ Thái phải tăng dự trữ lên đến mức kỷ lục 2,3 triệu tấn trong năm nay.
Chính phủ Thái Lan còn có kế hoạch trong vài tuần tới sẽ mua lại 100.000 tấn đường từ các thương nhân, tình trạng này lần đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các thương nhân có thể không có hàng để bán vì các nhà sản xuất đường dự kiến bội thu mía nên ký hợp đồng xuất khẩu đường dài hạn.
Điều đó có nghĩa là Chính phủ Thái Lan sẽ phải cân nhắc khả năng mua đường từ Australia hoặc Brazil, thậm chí giành mua hàng với nước láng giềng như Indonesia.
Trong khi đó, nhu cầu của nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới là Ấn Độ hứa hẹn tăng cao trong mùa lễ hội từ tháng 8 đến tháng 10. Cùng lúc, Indonesia và các nước Hồi giáo khác tăng nhu cầu trước lễ Ramadan từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.
Ngoài ra, nhu cầu đường tại Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới tăng mạnh do người tiêu dùng mua đường dự trữ vì lo ngại giá đường tăng đến đỉnh điểm.
Ông Luke Mathews, nhà phân tích hàng hóa của Commonwealth Bank of Australia, nhận định: “Trong thời gian ngắn hạn tới, các nước sẽ thiếu đường trầm trọng do nhu cầu tăng quá mạnh trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng”.
Người phụ trách Công ty tư vấn Kingsman SA, ông Jonathan Kingsman cũng dự báo, thị trường đường thế giới sau khi cân bằng cung cầu sẽ thiếu khoảng một triệu tấn. Tổng nhu cầu toàn cầu là 50 triệu tấn.
Kết quả là giá đường giao kỳ hạn tại thị trường London trong trong tháng này tăng hơn 60 USD một tấn, mức giá cao nhất từ năm 1995.