Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hướng tới hội nhập: Di sản văn hóa và cơ hội kinh doanh
27 | 06 | 2007
Tại Trung tâm triển lãm Nông nghiệp số 2 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) vừa qua, đã diễn ra: Hội chợ làng nghề và hội thi sản phẩm thủ công với chủ đề "Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hướng tới hội nhập WTO".

Tham dự hội chợ lần này có 205 gian hàng của 160 đơn vị và doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm được giới thiệu và bày bán đều đạt chất lượng cao, gồm các mặt hàng trang trí: Hoa phong lan của Công ty Quản lý kinh tế Dịch vụ Thủy Lợi (TP Hồ Chí Minh); dệt thổ cẩm làng Hoa Tiến (Nghệ An); gỗ lũa trai mỹ nghệ của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Khánh (Quảng Trị)...; các mặt hàng gia dụng: Gốm Bát Tràng (Hà Nội); đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội); mây tre đan (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh); túi xách, ví da thời trang Công ty Hoa Ca Crocodile Co (quận 12, TP Hồ Chí Minh)... Ngoài ra còn có các mặt hàng ẩm thực: bánh đa Kế (Bắc Giang); chè (Thái Nguyên); rượu Xika (Quảng Trị); bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)...

Một trong những gian hàng gây nhiều sự chú ý của khách tham quan là sản phẩm gỗ lũa trai mỹ nghệ của Doanh nghiệp tư nhân Khánh Toàn. Ông Lê Văn Chiến-giám đốc công ty cho biết: "Giới thiệu các sản phẩm của mình vào đúng dịp hội nghị APEC, tôi muốn quảng bá về thương hiệu riêng của công ty đến du khách trong và ngoài nước bởi đây là một mặt hàng độc đáo của Quảng Trị cũng như của Việt Nam nói chung.

Để cho ra một sản phẩm đòi hỏi sự nung nấu từ ý tưởng đến kỹ thuật của nghệ nhân. Chủ đề các tác phẩm đều lấy từ tích truyện dân gian của Việt Nam và Trung Quốc như: "Tây du ký", "Thạch Sanh cứu công chúa", "Trúc mai quần tụ", "Cửu long hạ sơn"... Trong đó tác phẩm "Lê Lợi hoàn kiếm" được nung nấu và tạo tác trong gần 3 năm mới hoàn thành, có trọng lượng hơn 4 tấn gỗ trai.

Ông Chiến cho biết, để lấy được gốc rễ này, ông đã gặp nhiều khó khăn, lần đầu máy xúc bị gãy, sau đó dùng 3 chiếc ô tô kéo lên lại bị sa xuống bùn, đến lần thứ 9 sau khi đã thực hiện phương án xúc, kéo mới và cúng xôi, gà theo phong tục công việc mới xong xuôi. Mong muốn lớn nhất của tôi là tác phẩm này sẽ được chọn đi dự kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội sắp tới...

Khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay khi bước vào hội nhập đó là vấn đề thương hiệu, bởi công ty mới hình thành được 3 năm, từ trước đến nay chưa có sản phẩm tung ra thị trường quốc tế. Điều quan trọng nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm, công ty đã lên chương trình giới thiệu sản phẩm của mình thông qua các hãng du lịch trong và ngoài nước bởi đây là sản phẩm rất kén người thưởng thức...".

Được biết gỗ trai chỉ có ở vùng tây Quảng Trị. Loại gỗ này thường mọc ở vùng đầm lầy, khe suối, dạng rễ chùm. Nét đặc biệt của gỗ trai là chịu được mưa nắng, gốc trai càng nằm ở vùng lầy lâu năm thì làm hàng mỹ nghệ càng đẹp.

Tương truyền, ngày xưa gỗ trai đỏ dùng để tiến cúng vua làm ngai vàng và đồ thờ mỹ nghệ. Hiện nay ở một số vùng gỗ Quảng Trị như: Cùa, Gio An, Gio Linh vẫn còn một số giếng được bao bọc quanh bằng gỗ trai có tuổi thọ hàng trăm năm. Dù để trên mặt đất bao lâu nhưng khi đục ra gỗ trai vẫn có một lớp chất dầu nâu sữa chảy ra để bảo vệ gỗ không bị nứt nẻ khi trời mưa, nắng.

Cụ Đặng Văn Lâu-quận Hoàn Kiếm-Hà Nội nhận xét: “Từ lâu tôi đã được nghe người trong nghề tạo tác gỗ nói đồ mỹ nghệ gỗ trai là một tuyệt tác, vân chìm, sáng, xoáy đều tất cả các phía, chỉ cần đánh bóng nhẹ, phun một lớp nhựa tổng hợp trong, cực mỏng, nhẹ đủ màu sắc phủ lên bề mặt.

Được tận mắt chứng kiến, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi sự đồ sộ về kích thước, sự công phu trong đường nét chạm khắc và đặc biệt là sự khéo léo của người thợ tạo dáng, tạo hình sáng tạo, sinh động mà vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ”.



(Nguồn: Goviet.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường