Tân Hoa Xã-16/08/2006) - Phát ngôn viên của Cơ quan quản lý lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc SFA Cao Quingyao đã phủ nhận thông tin cho biết Trung Quốc sẽ thuê 1 triệu ha rừng của Nga để phát triển nguồn tài nguyên gỗ.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, ông Cao cho biết "SFA không nhận được bất kỳ lời mời chính thức nào từ phía Nga" như thông cáo trên báo Độc lập của Nga.
Theo ông Cao, gỗ là một phần quan trọng trong thương mại thế giới và Trung Quốc và Nga có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực khi bước vào khai thác nguồn tài nguyên rừng. Về phương diện kỹ thuật, lao động và nguồn lực, cả hai quốc gia đều có những lợi thế bổ sung cho nhau.
Trung Quốc đã cùng với các nước khác đốn và chế biến gỗ theo các dự án hợp tác hợp pháp giữa các chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân.
Được biết, Trung Quốc nhập khẩu gỗ chủ yếu từ Nga, Mỹ, Indonesia, Canada và Nhật Bản.
Thường xuyên nỗ lực đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, chính phủ Trung Quốc phản đối và kiên quyết ngăn chặn việc đốn và nhập khẩu gỗ trái phép. Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện rất nhiều biện pháp cứng rắn trong nhập khẩu.
Theo ông Cao, chính phủ Trung Quốc cũng đang tập trung phấn đấu trở thành nước tự cung tự cấp về sản phẩm gỗ với kế hoạch trồng 200 triệu mu (13,3 triệu ha) rừng vào năm 2015 để sản xuất được 200 triệu mét khối gỗ. Ngoài ra, một loạt các chính sách về tín dụng, thuế khoá cũng sẽ được ban hành để hỗ trợ cho công tác quản lý lâm nghiệp.
Đề cập tới dự đoán của một nhà nghiên cứu Mỹ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên rừng của thế giới vào năm 2031, ông Cao cho biết, "dự đoán này là không có căn cứ khoa học. Mật độ che phủ rừng đã tăng gấp đôi kể từ khi quốc gia Trung Hoa mới ra đời 1949 và thương mại gỗ của Trung Quốc đã thặng dư trong năm 2005". Tuy nhiên, ông Cao cũng cho biết Trung Quốc vẫn đang phải đối diện với tình trạng thiếu giấy và bột giấy.