Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc - 30 năm với những thành tựu cải cách
19 | 12 | 2008
Cách đây 30 năm, vào ngày 18/12, ban lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra quyết định lịch sử: cải cách kinh tế và mở cửa đất nước. Quyết định này đã mang đến cho Trung Quốc một diện mạo hoàn toàn mới, dù không phải không còn những thách thức.

Kiến trúc sư của chính sách cải cách táo bạo này là nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Ông đã mạnh dạn quay lưng lại với chế độ bao cấp, thay những khẩu hiệu cũ bằng những khẩu hiệu mới: “bất chấp mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần nó biết bắt chuột”, “làm giàu là vinh quang”, hoặc “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kết quả là, từ một nước nghèo, Trung Quốc dần trở thành một quốc gia hiện đại và có ảnh hưởng toàn cầu.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức cao, trung bình 9,8%/năm, gấp ba lần so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới, và gần 240 triệu người ở nông thôn đã thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Năm 1986, Trung Quốc triển khai chính sách cải cách mở cửa, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh. Nhiều đặc khu kinh tế được mở ra như Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải để thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra động lực phát triển cho toàn bộ đất nước. Tháng 9/1995, Trung Quốc đã quyết định chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cuối năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính thức trở thành một thành viên trong hệ thống thương mại đa phương toàn cầu. Tháng 8/2008, Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội Olimpics, được đánh giá là đại hội quy mô hoành tráng và thành công nhất trong lịch sử các kỳ đại hội. Trung Quốc dần khẳng định vị trí trong top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lễ kỷ niệm 30 năm thực hiện chính sách cải cách và mở cửa đất nước được Trung Quốc tổ chức trọng thể hôm qua chính là sự ghi nhận của toàn thể nhân dân Trung Quốc về tầm quan trọng và những thành tựu to lớn mà công cuộc cải cách đã mang lại, đúc kết các kinh nghiệm và củng cố lập trường tiếp tục đưa đất nước đi tiếp con đường chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.

Vẫn còn những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai, như khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tốc độ mở rộng sản xuất và đô thị hóa tăng nhanh kéo theo những vấn đề về môi trường và xã hội khác. Làn sóng lao động từ nông thôn đổ về thành thị Trung Quốc đang tăng mạnh và các nhà phân tích dự đoán là sẽ kéo theo những hệ quả như sự bùng nổ phát triển về giao thông lớn nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc gần đây nói có tới hơn 10 triệu lao động di cư đã mất việc tại nước này, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng Trung Quốc trong năm 2009 có thể chỉ còn khoảng từ 5% đến 6% thay vì 8,5% như dự kiến trước đây, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn ca ngợi Trung Quốc cho tới lúc này đã thực hiện những bước đúng đắn để ổn định nền kinh tế của chính mình.

Thành tựu của Trung Quốc qua những con số

Kinh tế: Hiện Trung Quốc đang trên đường vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Năm 1978, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ở mức 364,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 52 tỷ USD). Đến năm 2007, con số này đã gấp 68 lần, lên 25,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3.540 tỷ USD).

Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ đã dự đoán đến năm 2025, Trung Quốc có khả năng vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thậm chí, nhiều nhà phân tích trong nước còn cho rằng đến năm 2038, Trung Quốc có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoại thương: Năm 1978, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với bên ngoài là 20,6 tỷ USD và thâm hụt thương mại là 1,1 tỷ USD. Năm 2007, kim ngạch thương mại đã tăng lên 105 lần, đến 2,17 nghìn tỷ USD, và thâm hụt đã biến thành khoản thặng dư khổng lồ là 262 tỷ USD.

Giáo dục: Năm 1978, có 9 người tốt nghiệp đại học có chứng chỉ cao học. Năm 2007, con số này đã tăng lên 311.839.

Dân số: Khi cải cách bắt đầu, Trung Quốc có số dân lớn nhất thế giới, 963 triệu người. Hiện dù vẫn là một nước đông dân nhất thế giới (1,32 tỷ năm 2007), nhưng có khả năng trong vài thập kỷ nữa Ấn Độ sẽ qua mặt. Chính sách một con đã giúp nước này kiểm soát được tỷ lệ tăng dân số ở mức 0,5% hiện nay từ 1,2% năm 1978.

Thu nhập: Người dân ở cả thành thị và nông thôn đều được hưởng lợi từ cải cách. Năm 1978, thu nhập trung bình hàng năm của mỗi hộ dân thành phố là 343,4 Nhân dân tệ (khoảng 45 USD), đến năm 2007 đã gấp 40 lần - lên 13.786 nhân dân tệ (khoảng 1.810 USD). Đối với hộ nông thôn, mức tăng là 31 lần, từ 133,6 Nhân dân tệ lên 4.140 Nhân dân tệ.

Tuổi thọ: Năm 1981, tuổi thọ trung bình của nữ giới Trung Quốc là 69,3 và đến năm 2000 là 73,3. Với nam giới, con số này là 66,3 trong năm 1981 và 69,6 năm 2000.



Nguồn: www.dantri.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường