Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Định: Nông dân quay lưng với mía
19 | 09 | 2008
Mặt tiền Cty CP Đường Bình Định (Bisuco) có câu khẩu hiệu sơn đỏ chạy dài đến... 50m: "Nhà máy vì nông dân, nông dân vì nhà máy". Dòng chữ sơn kẻ đã lâu, giờ phai lợt, nét còn, nét mất.
Vô tình, cái khung cảnh lạnh lẽo, ảm đạm ấy chất chứa nhiều "gợi ý" về mối quan hệ một thời "môi - răng" nay đã thành... quá khứ giữa nông dân và nhà máy.

Đổ xô phá mía trồng sắn

Hàng ngàn hộ nông dân trót dây dưa với mía hiện đang nhìn Bisuco bằng cái nhìn... ai oán. Ông Hồ Minh Phúc (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, Tây Sơn- địa bàn trọng điểm trong vành đai nguyên liệu mía Bình Định) bần thần bấm đốt ngón tay hàng giờ vẫn không tính nổi lời lãi bao nhiêu từ 1,5ha mía vụ ép vừa qua: "Mình tự làm thuê cho mình là chính. Vật tư, công xá tăng vùn vụt, mà giá mía chỉ xê dịch từ 350 - 370 đồng/kg. Bình quân mỗi sào bón tới 250.000 đồng tiền đạm, cộng 10 công chăm sóc, cộng thêm 400kg mía giống để thu 3 tấn mía, hỏi lấy đâu ra lời? Nhà sẵn nhân lực còn có thể cầm cự chứ thuê mướn lao động là phủi tay, lỗ "sặc gạch".

Ông Phúc trồng mía từ khi nghề đường mật còn ép, nấu thủ công, nói chưa bao giờ thấy tương lai bế tắc như bây giờ. Từ chỗ tận dụng từng mét vuông đất gò đồi, rào giậu nuôi hy vọng bằng cây mía, mấy năm gần đây, gia đình ông phải tự "bảo hiểm" bằng một lựa chọn mới: Cây mì (sắn). Cơ sở cho lựa chọn này là rất rõ ràng. Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Võ Thành Tiên "tính giùm" nông dân: "1ha mía làm giỏi mỗi năm lời khoảng 5 - 7 triệu đồng, thường thì 2 triệu. Trong khi đó, chỉ canh tác 8 tháng, đầu tư chăm sóc đơn giản hơn, 1ha sắn có khả năng sinh lợi tới 20 - 30 triệu đồng".

Đang diễn ra cuộc "tái chiếm" ào ạt của cây sắn trên lãnh địa cũ của mía ở Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Chuẩn bị vụ sản xuất 2008 - 2009, vùng nguyên liệu Bình Định rớt từ 3.200 xuống còn 2.200ha, chủ yếu do cây sắn "tràn ngập lãnh thổ". Tại Vĩnh Thạnh, từ 435ha mía nguyên liệu hiện chỉ còn 313ha. Ở Tây Sơn, tình hình còn thê thảm hơn: 4.000ha thời hoàng kim nay "teo" lại còn 869ha. Phó phòng Nguyên liệu Bisuco Lê Minh Phương than thở: "Người nông dân tự quyết định đầu tư trên mảnh đất của mình.

Không chỉ Bình Định, các nhà máy đường trong cả nước đều lúng túng trước tình cảnh giá các mặt hàng nông sản đều tăng trừ sản phẩm từ cây mía. Mới đây, Cục Chế biến nông sản dự báo mức giá 8.500 đồng/kg đường RRS tại Bình Định. Một dự báo không thấy... lối ra".

Nguyên liệu nhỏ lại, nhà máy phình ra?

Tháng 5.2006, sau khi mua lại Cty CP Đường Bình Định, Cty TNHH quốc tế Nagarjuna (nay là Cty CP NIVN- Âận Độ), bên cạnh việc mạnh tay cắt giảm lao động, đã tập trung mở rộng công suất nhà máy, từ 2.000 tấn lên 2.300 tấn, niên vụ tới là 3.000 - 3.500 tấn mía/ngày. Đây chỉ đơn giản là giải pháp kỹ thuật nhắm tới mục tiêu cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, Bisuco đang loay hoay với bài toán bất khả thi vì không có khả năng, cũng không làm hết trách nhiệm trong việc quyết định quy mô vùng nguyên liệu. Theo tính toán của ông Lê Minh Phương, để hoạt động bình thường, Nhà máy đường Bình Định cần "bảo hiểm" tới 12.000ha nguyên liệu, chia đều cho 2 địa bàn: Đông Gia Lai và Bình Định. Kế hoạch đầy tham vọng ấy nhiều khả năng bị phá sản bởi tính hoang tưỏng của nó.

Gia Lai, trong một văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng ký, chỉ đồng ý chia cho Bisuco 3.000ha vùng Tú An, Cửu An, Song An (thị xã An Khê) và các xã Đông, Nghĩa An, Klu (huyện Kbang). Phía Bình Định, như đã biết, tình hình càng gai góc hơn. Thực trạng thiếu nguyên liệu đẩy Bisuco vào cuộc giành giật không mệt mỏi trên vùng mía cạnh tranh 12.000ha phía Đông Gia Lai với các đối thủ truyền thống là Nhà máy đường An Khê, Nhà máy đường Kon Tum.

Vô hình trung, doanh nghiệp tự cách ly với nông dân Bình Định do tâm lý "để dành sân sau" chờ cuối vụ. Người trồng mía không chỉ bị dồn đẩy vào tình thế bất lợi, mà còn thành nạn nhân cho tệ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của hệ thống vận chuyển, thu mua. Chủ tịch Hội Nông dân Tây Sơn Mai Quốc Tuấn "tố": "Đến vụ, Cty đắm đuối nhìn lên Tây Nguyên; ở "ao nhà", dù mía chín rục, họ vẫn bỏ mặc. Phiếu đốn cấp nhỏ giọt khiến nông dân càng thất thu do chữ đường tụt xuống"!

Giải thích cuộc "chia tay" rầm rộ giữa nông dân Bình Định với nhà máy đường, Giám đốc Sở NNPTNT Võ Thành Tiên cho rằng, chủ doanh nghiệp không thật sự tâm huyết: "Tỉnh phải hối thúc nhiều lần, cam kết hỗ trợ nông dân mới được tiếp tục. Trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, họ chưa làm bao nhiêu.

Các công trình hạ tầng phục vụ vùng chuyên canh mía mà Bình Định xây dựng trước kia như hồ Quang Hiển, trạm bơm Canh Hiển (Vân Canh), trạm bơm Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh)... hầu hết bị thả nổi hoặc tự phát chuyển sang tưới lúa, hoa màu". Về giá mía bảo hiểm 450.000 đồng/tấn cho vụ tới, ông Tiên nhận xét: "Chỉ đủ chạy theo tốc độ lạm phát".





Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường