Vụ mía này, toàn tỉnh Tây Ninh có hơn 32.600 ha mía, đã đưa vào chế biến khoảng gần 1,2 triệu tấn mía cây (TMC) và sản xuất hơn 116.000 tấn đường. Nếu so sánh sự cung ứng lượng mía với ba nhà máy công nghiệp của tỉnh, hiện có tổng công suất là 12.500 TMC/ngày, có khả năng tiêu thụ đến gần hai triệu TMC/vụ thì năm nay tình trạng thiếu nguyên liệu mía đường trong tỉnh càng bộc lộ rõ.
Vì sao diện tích mía sụt giảm?
Mới đây, trong một cuộc khảo sát thực tế tình hình sản xuất mía đường do HÐND tỉnh tiến hành, nhiều nguyên nhân khiến nông dân quay lưng lại với cây mía được nêu ra. Tại huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Dũng, cho biết: Năng suất mía trong huyện chỉ đạt trung bình khoảng 40 tấn/ha, cộng với các yếu tố: Giá thu mua thấp so miền tây Nam Bộ, xe máy kéo vận chuyển mía bị gây khó khăn do vướng quy định về giao thông, nhà xe nâng giá cước và đòi tiền bồi dưỡng thêm ngoài chi phí nhà máy quy định, giá thuê nhân công trong thu hoạch quá cao, có nơi đến 120.000 đồng/TMC nhưng vẫn thiếu lao động... Tất cả người trồng mía phải gánh chịu nên có tâm lý bỏ cây mía, chuyển sang trồng cây khác. Hơn nữa, so sánh lợi nhuận từ mía với các cây cao-su, mì, đậu, cây mía thua rất xa, thậm chí thua cả cây lúa, nên ở Châu Thành đã có hơn 1.650 ha mía gốc bị phá bỏ và con số hiện không dừng ở đây. Theo một cán bộ Phòng Kinh tế huyện, năng suất mía thấp ngoài yếu tố thời tiết không thuận lợi, còn do giá thu mua từ vụ trước thấp nên vụ này nông dân ngần ngại ít đầu tư. Mặt khác, hệ thống hạ tầng cho vùng mía chưa đồng bộ, đồng ruộng còn manh mún, chưa thể đẩy mạnh cơ giới hóa, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến tăng giá thành sản phẩm làm nhiều nông dân lỗ nặng.
Tại huyện Tân Châu, ông Nguyễn Thanh Thơm, Trưởng phòng Kinh tế huyện thừa nhận những khó khăn về vụ mía 2007 - 2008 cũng như các nơi khác. Mặc dù năng suất mía của Tân Châu cao hơn chút ít, đạt bình quân 60 tấn/ha, nhưng nông dân vẫn không có lãi. Trước áp lực "lấn sân" của cây mì, cao-su do lợi nhuận cao hơn, nhiều người đang cân nhắc lại, nhưng đa phần có thiên hướng bỏ mía. Ðể đề phòng rủi ro, nhiều nông dân xé lẻ diện tích ra, trồng thêm các loại cây khác vào theo kiểu thất cây này còn cây nọ, nên diện tích mía giảm.
Ðến nay, ước tính tổng diện tích mía vụ 2008 - 2009 của huyện Tân Châu bị giảm 25-30% so vụ vừa qua, tương đương hơn 3.000 ha và sẽ còn giảm tiếp.
Về phía các nhà máy đường, Công ty cổ phần đường Biên Hòa (BH - nhà máy ở Tây Ninh) trong vụ ép 2007-2008 có hơn 7.900 ha mía, đạt hơn 354.700 TMC, giảm hơn 1.000 ha so với vụ trước và chỉ đáp ứng được hơn 67% công suất ép cả vụ so thiết kế. BH cũng gặp nhiều khó khăn vụ này, đặc biệt là tình trạng mía bị đốt cháy lên đến 35% tổng khối lượng, gây thiệt hại lớn cho cả nhà máy lẫn nông dân. Theo bản đánh giá thực trạng cây mía và dự báo tình hình nguyên liệu của BH, nếu thời gian tới không có những giải pháp tích cực hơn từ các cấp chính quyền và công ty, vụ mùa 2008-2009 diện tích mía BH sẽ chỉ còn 5.200 ha, và đến sau năm 2010 có thể giảm xuống còn 3.200 ha, một dự báo ảm đạm trong tương lai gần. Theo ông Nguyễn Xuân Trình, Tổng Giám đốc BH, diện tích mía sụt giảm ngoài tác động của giá vật tư tăng, hạ tầng thiếu, chi phí lao động cao, sự cạnh tranh của các loại cây khác... còn phải tính đến giá đường chưa cạnh tranh được với giá bột mì, cao-su, đồng thời cần xử lý lượng đường nhập lậu vào nước ta qua nhiều ngã, khi sản xuất trong nước gặp khó khăn.
Những vấn đề đặt ra
Qua hai vụ mía liên tiếp thiếu nguyên liệu trầm trọng, các nhà máy đều cố gắng tìm kiếm thêm quỹ đất mới để phát triển cây mía. Ðây là điều không dễ vì khó thuyết phục nông dân. Hiện SBT đang có hướng tìm sang khu vực giáp biên bên... Cam-pu-chia hợp tác trồng mía. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình canh tác và công nghiệp hóa ngành mía đường của tỉnh, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao trong mười mấy năm qua kể từ khi xuất hiện các nhà máy đường công nghiệp, năng suất trung bình của cây mía không tăng? Dù địa phương và các nhà máy cũng có những tác động trong nâng cao năng suất và chất lượng cho cây mía, nhưng ước mơ đạt bình quân 70-80 tấn/ha trở lên vẫn là con số xa vời. Nếu tăng được gấp hai năng suất so hiện nay, tức khoảng 100 tấn/ha, Tây Ninh không phải lo đến chuyện mở rộng diện tích mía, mà còn dư được quỹ đất cho cây trồng khác. Vụ mùa 2008-2009, lần đầu SBT thành lập "Câu lạc bộ nông dân 100 tấn mía/ha", với những đầu tư ưu đãi, vượt định mức và thưởng từ một triệu đồng đến ba triệu đồng/ha nếu nông dân đạt từ 80 đến 100 tấn/ha trở lên. Thế nhưng, đây chỉ mới là khởi đầu, và phong trào cần phải được phát triển rộng khắp, có sự gắn kết đồng bộ giữa các cấp chính quyền, nhà máy, nhà khoa học và nông dân thì mới có hiệu quả thiết thực. Do năng suất gắn liền với hàng loạt vấn đề liên quan, nên bài toán về tăng năng suất vẫn còn chờ lời giải.
Ðối với khâu quy hoạch, đến giờ các cánh đồng mía vẫn chưa thể đồng bộ. Việc xen canh nhiều loại cây khác nhau trong vùng mía gây trở ngại lớn, nhất là khâu tưới tiêu, ảnh hưởng sự sinh trưởng của mía. Do đó, theo góp ý của các ngành liên quan, cần tăng cường giao thông nội đồng và những hạ tầng khác, bảo đảm quy hoạch chi tiết đến từng xã cụ thể và áp dụng chính sách thuế, chế tài trong vùng đã xây dựng hạ tầng, không cho chuyển sang cây trồng lâu năm là rất cần thiết. Có như vậy các nhà máy mới mạnh dạn đầu tư lớn, ổn định lâu dài để giữ vùng nguyên liệu mía.
Về vấn đề cơ giới hóa, đến giờ toàn tỉnh hầu như chỉ mới đạt ở khâu làm đất. Một số khâu quan trọng khác như trồng, bón phân, nhất là thu hoạch phải dùng lao động thủ công. Gần đây, các nhà máy đường có nghiên cứu chế tạo, nhập máy móc từ nước ngoài về thử nghiệm, nhưng chưa thể đại trà. Trong tình trạng ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp, giá nhân công tăng cao thì cơ giới hóa càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Việc phát triển cơ giới hóa bản thân nông dân không thể đủ khả năng tự làm, mà rất cần Nhà nước cùng nhà máy ra tay hỗ trợ.
Về phương tiện vận chuyển, lâu nay do đặc thù các cánh đồng mía, nhất là mía vùng thấp trong tỉnh quen sử dụng máy kéo quanh năm, vừa dùng trong cả quá trình canh tác mía, vừa kéo rơ-moóc chở mía về nhà máy rất tiện lợi. Hơn nữa, máy kéo có thể xuống tận ruộng sâu chở mía, không phải "tăng bo", đỡ tốn kém thời gian, chi phí cho người trồng mía. Nếu vì vi phạm nghị định về giao thông mà cấm phương tiện này vận tải sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân. Theo tính toán, riêng nhà máy SBT phải có từ 300-400 xe tải chở mía/vụ. Nếu mua sắm mới, Nhà máy không đủ tài chính, nếu có mua được không lẽ chỉ sử dụng có ba, bốn tháng/vụ mía trong năm thì không kinh tế. Cho nên, cần có giải pháp khả thi, bền vững để giải quyết vấn đề vận chuyển mía đường.
Một việc quan trọng không kém là bảo đảm an ninh cho vùng mía. Vừa qua, các nhà máy đường đều lên tiếng, đề nghị sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong ngăn chặn tình trạng cố ý đốt mía do nhiều nguyên nhân. Mía cháy hàng loạt gây thất thu cho người trồng mía, làm thiệt hại cho cả nhà máy, gây rối loạn trong thu hoạch vì phải ưu tiên thu nhận mía cháy trước.