Việc thiếu nguyên liệu cho chế biến vụ mùa 2007-2008 là điều đã được báo trước, vì vậy các nhà máy đã ban hành những chính sách khuyến khích dành cho nông dân như: Bảo hiểm chữ đường (CCS) tối thiểu bằng 10 cho các giống chín sớm ROC, VN, K83-29. Các giống còn lại nếu đo từ 6 CCS trở lên được bao đến 8,5 CCS, riêng công ty SBT còn tính CCS tăng dần lên theo thời điểm thu hoạch. Nếu mía có CCS thực tế đạt cao hơn hoặc bằng 10, người trồng mía sẽ được thưởng thêm 15.000 đồng/TMC. Về tạp chất, nhà máy chấp nhận mức tạp chất đến 2% không bị khấu trừ, nhưng sẽ trừ vào số trọng lượng mía giao lượng tạp chất vượt mức 2%. Các nhà máy cũng đã thống nhất về chính sách đối với mía cháy, theo hướng không bảo hiểm CCS, đồng thời chỉ tiếp nhận mía cháy trong khoảng thời gian không quá 96 giờ để hạn chế nạn cháy mía tràn lan.
Nông dân còn được hưởng các khoản hỗ trợ không hoàn lại, bao gồm hỗ trợ trồng mới tùy địa bàn từ 1,5 triệu đồng đến 2,55 triệu đồng/ha, hỗ trợ lưu giữ mía gốc 600.000 đồng/ha, thủy lợi phí tối đa 300.000 đồng/ha. Mặt khác, các nhà máy cũng có hẳn một chính sách khác dành riêng cho nông dân, nếu họ đi thuê đất trồng mía cho công ty. Người thuê đất được đầu tư 2-3 triệu đồng/ha/vụ tùy loại đất, tổng số tiền đầu tư cho bốn vụ liền nhau được giao ngay năm đầu tiên cho chủ đất, và được thu hồi trong ba vụ mía liên tiếp. Nông dân cần mua đất trồng mía cũng được đầu tư trả trong bốn vụ với số tiền 20 triệu đồng/ha. Ðối với Biên Hòa, định suất cho vay vốn thuê đất trồng mía cao nhất từ 8 đến 10 triệu đồng/ha, thu hồi trong ba năm. Tất cả nhằm khuyến khích người trồng mía phát triển diện tích, cũng là gia tăng sản lượng mía cho nhà máy trong tình hình hoạt động không đủ nguyên liệu theo công suất thiết kế.
Ngoại trừ Nhà máy đường Bourbon (SBT) đang "chờ" xem thời tiết có ảnh hưởng ra sao mới cho thu hoạch, các nhà máy còn lại đang cho đốn chặt mía ở vùng cao trước. Ở hai nhà máy lớn nhất tỉnh là Biên Hòa và SBT, tổng diện tích mía vùng thấp hiện đã đạt xấp xỉ 80%, nên chuyện nắng mưa có ảnh hưởng rất lớn đến lịch đốn chặt. Nhiều vùng mía hiện vẫn còn ngập nước, hoặc nền đất còn quá ẩm, xe cơ giới khó vào được tận nơi chở mía. Trong vụ này, Nhà máy đường Biên Hòa chỉ đạt 7.900 ha tổng diện tích hợp đồng, bị giảm khoảng 1.000 ha mía so vụ trước, còn SBT đạt 14.500 ha, giảm đến 1.500 ha. Thực trạng ở Tây Ninh, nông dân đã và đang có xu hướng thay thế cây mía vùng cao bằng các cây cao-su, mì (sắn) do cho lợi nhuận cao hơn, khiến diện tích mía giảm mạnh.
Trong cuộc họp mới đây giữa các nhà máy đường và UBND tỉnh Tây Ninh, các phản ánh nhiều nhất là nạn trộm mía, mía bị cố ý đốt cháy do nhiều nguyên nhân, các nhà máy đường ngoài tỉnh không đầu tư cho nông dân, nhưng lại vào tỉnh tranh mua mía trong hợp đồng và vấn đề phương tiện vận chuyển mía. Trong đó, nạn trộm mía đang nổi lên ở các vùng nguyên liệu, nhất là các khu vực thuộc huyện Tân Biên, Tân Châu và vùng Thành Long, huyện Châu Thành. Theo các cán bộ nhà máy đường, bọn trộm mía nhiều lúc vào đốn mía công khai với danh nghĩa "mót mía". Chủ ruộng mía không dám ngăn cản, sợ chúng tư thù rồi lén đốt mía coi như mất trắng. Mặc dù các nhà máy đã liên kết nhau không nhận mua mía mót, nhưng thương lái lại thu mua, xong trộn vào lượng mía thu hoạch theo hợp đồng, nên nhà máy cũng bất lực. Vì vậy, các cấp chính quyền cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn nạn trộm mía, bảo vệ tài sản của dân và giúp nông dân yên tâm sản xuất. Về vấn nạn mía cháy, vùng nguyên liệu của công ty SBT năm rồi bị cháy đến 20%, tương đương hơn 3.000 ha mía. Ðiều này gây xáo trộn cho lịch đốn chặt, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân, đặt nhà máy vào tình trạng khó khăn khi phải lo tiêu thụ lượng mía cháy trước để giảm bớt thiệt hại cho người trồng mía.
Nhìn chung, Tây Ninh bước vào vụ chế biến mía đường mới với nhiều khó khăn, trong đó năng suất mía trung bình nhiều năm vẫn chưa nâng lên được. Theo ông Nguyễn Xuân Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa và ông Phi-líp Lon-bác, Tổng Giám đốc SBT, vụ mía năm rồi vùng nguyên liệu của hai đơn vị chỉ đạt bình quân từ 52 đến 56 tấn/ha, cho nên nông dân trồng mía có lãi ít. Những diện tích đạt năng suất cao từ 80 tấn/ha trở lên không nhiều. Ðây là vấn đề phụ thuộc các điều kiện liên đới nhau như thời tiết, việc sử dụng vốn đầu tư trồng mía của nông dân, công tác khuyến nông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, sự hỗ trợ của Nhà nước... nên cần có các biện pháp đầu tư tập trung và đồng bộ. Chỉ khi năng suất mía Tây Ninh đạt từ 70 tấn/ha trở lên, cộng với chính sách thu mua hợp lý, người trồng mía có lãi cao thì vùng nguyên liệu mới có thể ổn định, nông dân mới gắn bó với cây mía lâu dài.