Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phục sinh ngành mía đường
06 | 03 | 2009
Để tìm lối ra cho ngành mía đường, trước mắt Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học phải cùng vào cuộc để chấm dứt ngay tình trạng người trồng mía tự bơi

Sau khi “Chương trình quốc gia 1 triệu tấn đường” bị phá sản cách đây vài năm, ngành mía đường nước ta cũng từ đó tuột dốc theo. Do lợi nhuận thấp, người dân bỏ trồng mía khiến diện tích đất trồng loại cây này giảm dần theo từng năm. Thống kê mới nhất cho hay cả nước còn 285.000 ha đất trồng mía, trong đó miền Đông Nam Bộ chiếm tới 57.000 ha. Riêng tại miền Đông Nam Bộ, tỉnh Tây Ninh có diện tích đất trồng mía lớn nhất với 26.000 ha (năm 2000) nhưng đến nay đã giảm còn 19.000 ha.

Diện tích, năng suất đều giảm

Theo cam kết gia nhập WTO và AFTA, VN được nhập khẩu gần 60.000 tấn đường trong hạn ngạch năm 2008, thuế suất nhập khẩu đường trắng là 40% với WTO và 20% với AFTA. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày có không dưới 500 tấn đường đang bị nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới, gây thất thu khoảng 500 triệu đồng tiền thuế mỗi ngày.

Không chỉ diện tích đất trồng mía giảm, đáng lưu tâm là năng suất mía cũng giảm báo động. Ở tỉnh Tây Ninh, theo khảo sát của chúng tôi, năng suất chỉ đạt 48 tấn/ha (năng suất bình quân của mía đường VN là 70-80 tấn/ha). Năng suất thấp và giá thu mua không hợp lý càng khiến nông dân bỏ mía nhiều hơn, làm cho các nhà máy đường khốn đốn theo vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Điển hình trong số đó là nhà máy mía đường Bourbon (Tây Ninh), mọi năm luôn chạy 100% công suất (16.000 tấn/năm) nhưng những năm gần đây chỉ chạy 50% công suất, riêng năm 2009 chỉ chạy khoảng 44% công suất vì không có nguồn nguyên liệu. Nhiều nhà máy ở các tỉnh, thành khác cũng rơi vào thảm cảnh tương tự, chưa tìm được lối ra. Từ đó, những nhà đầu tư nước ngoài khác dè dặt khi rót tiền vào ngành này, dù đây là lĩnh vực đầy tiềm năng sinh lãi cao.

Dồn toàn lực cho người trồng mía

Trong khi ngành mía đường nước ta thừa khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước, thậm chí có thể xuất khẩu thì ngay từ bây giờ phải ngăn chặn ngay tình trạng sa sút nói trên bằng những giải pháp mạnh, đồng bộ. Trước mắt cần phải chấm dứt ngay tình trạng để nông dân tự bơi. Mới đây, sau khi khảo sát ở Tây Ninh và một số tỉnh miền Nam có trồng mía, chúng tôi phát hiện người trồng mía quá đơn độc, không được các ngành hữu quan chăm sóc, thiếu sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Nếu cứ để nông dân làm theo kiểu tự phát như lâu nay, chắc chắn ngành mía đường khó khai thông được bế tắc. Thay vào đó, ba nhà gồm nhà máy mía đường, Nhà nước (Bộ NN-PTNT; chính quyền các tỉnh, thành) và nhà khoa học phải vào cuộc cùng nhà nông để cứu vãn tình thế.

Các nhà máy phải phối hợp cùng các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu. Mỗi nhà máy phải có một vùng nguyên liệu riêng và nên phân vùng để thực hiện. Trên cơ sở khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, chúng ta sẽ chọn được giống mía riêng phù hợp cho mỗi vùng để xây dựng vùng nguyên liệu dài hơi. Cách này bên Philippines làm khá thành công.

Để nguồn nguyên liệu bảo đảm năng suất, Nhà nước cũng như nhà doanh nghiệp phải đưa cán bộ khoa học chuyên trách theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở các vùng nguyên liệu. Song song đó, đầu tư tài chính để cơ giới hóa việc trồng mía.

Có nguồn nguyên liệu rồi, phải đầu tư xây dựng hạ tầng cho các địa phương trồng mía. Khoản này phía doanh nghiệp phải bỏ ra. Để mía đến với nhà máy nhanh nhất, ít tốn kém nhất, nhất thiết phải xây dựng đường giao thông căn cơ. Thực tế ở các vùng nông nghiệp nước ta hiện nay, hệ thống giao thông kém chính là một lực cản trong hợp tác giữa người trồng mía và các nhà máy đường. Có đường giao thông tốt thì hệ thống chuyên chở mía xuyên suốt được thiết lập, giúp các nhà máy làm ăn thông suốt.

Cải thiện quan hệ nhà máy - nhà nông

Quan trọng nữa là các nhà máy mía đường phải cải thiện quan hệ với người trồng mía. Những năm qua, tình trạng nhà máy ép giá nông dân khi ế hàng (đường thành phẩm) hoặc tranh mua khi thiếu nguyên liệu đã khiến mâu thuẫn giữa nông dân và nhà máy càng trở nên gay gắt; một bộ phận lớn người trồng mía mất tin tưởng vào các nhà máy nên dẫn đến chuyện nông dân dùng tiền ứng trước của nhà máy để làm chuyện khác. Để nông dân yên tâm quay trở lại trồng mía và hợp tác với các nhà máy, ngoài những giải pháp đã nêu, các nhà máy phải có chính sách hỗ trợ nông dân khi mất mùa, bao tiêu nguyên liệu... Thậm chí, phải có kế hoạch cổ phần hóa để nông dân được mua cổ phần, từ đó có trách nhiệm hơn.




Nguồn: chebien.gov
Báo cáo phân tích thị trường