Trong khi đó, các chủ nhà máy đường lại tuyên bố: "Mua mía giá thấp để hạ giá thành đường, tăng sức cạnh tranh với đường nhập lậu". Gánh nặng "tăng sức cạnh tranh" của ngành mía đường lại được đặt trên vai nông dân trồng mía (!?) Theo kế hoạch, niên vụ 2006-2007, các nhà máy đường trong cả nước sẽ đạt công suất ép 12,6 triệu tấn mía, sản xuất ra 1,23 triệu tấn đường, tăng gần 500.000 tấn đường so với niên vụ trước. Tính đến hết tháng 4, các nhà máy đã ép được hơn 11 triệu tấn mía, sản xuất hơn 1 triệu tấn đường.
Cuối tháng 5, các nhà máy đường ở miền Đông và ĐBSCL kết thúc niên vụ. Riêng từ miền Trung trở ra do thu hoạch mía muộn nên các nhà máy vẫn duy trì hoạt động đến cuối tháng 6. Dự báo, niên vụ 2006-2007, ngành mía đường sẽ đạt và vượt kế hoạch sản xuất do diện tích trồng mía tăng.
Qua cân đối sản lượng đường sản xuất công nghiệp, thủ công và đường tồn kho thì tổng sản lượng đường năm nay có thể đạt 1,5 triệu tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cả nước nên Chính phủ không có chủ trương nhập khẩu thêm đường ngoại trừ lượng đường bắt buộc nhập theo hạn ngạch WTO.
Năm nay, do sản lượng mía dư thừa nên các nhà máy đường trong nước không phải cạnh tranh mua mía nguyên liệu, trái lại các nhà máy đường còn liên kết hạ giá thu mua nhằm giảm giá thành. Do vậy, trong suốt thời gian qua mặc dù sức mua có biến động, nhưng các nhà máy vẫn ổn định, giá bán đường từ bằng đến thấp hơn giá đường nhập lậu từ Thái Lan, đây là giải pháp ngăn chặn đường nhập lậu rất hữu hiệu.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan - Phó giám đốc Nhà máy Đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho rằng: "Thời gian qua nhà máy đã nhiều lần tăng công suất, đây là một trong những giải pháp hạ giá thành. Hiện nay, chi phí sản xuất công nghiệp của ngành đường đã giảm đến mức không thể giảm được nữa. Do đó, để hạ giá thành phải hạ từ khâu nguyên liệu, điều này hoàn toàn nhờ cậy vào nông dân trồng mía".
Theo tính toán của các nhà máy đường, nếu nông dân trồng mía giống mới năng suất bình quân 150 tấn/ha, đạt 9-10 chữ đường (CCS), chỉ cần bán 300 đồng/kg, thì đã có lời. Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Hiền, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trồng mía xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: "Với giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng như hiện nay, nếu bán mía 300đ/kg, mía có 10 CCS có lẽ nông dân sẽ bỏ mía".
Cái được của ngành mía đường trong niên vụ này là hạ giá thành đường, đánh bạt đường nhập lậu, ngược lại, nông dân trồng mía bị thất thu quá lớn do trong suốt vụ mía nông dân lúc nào cũng ở "kèo dưới". Thời điểm này, diện tích trồng mía ở ĐBSCL cơ bản đã thu hoạch xong. Giả sử, nay mai giá đường có tăng trở lại thì lợi nhuận sẽ dồn hết cho các nhà máy đường và tư thương.
Từ 1995-2004, cả nước đã xây dựng được 44 nhà máy đường, với tổng công suất chế biến thiết kế hơn 100.000 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2000 các nhà máy đường đã đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết việc làm cho 35.000 lao động, nâng diện tích trồng mía cả nước lên 300.000 ha, với trên 1 triệu dân chuyên canh mía.
Thế nhưng phía sau "mặt nổi" của báo cáo trên thì ngành mía đường đã bộc lộ nhiều khó khăn, lúng túng khi đạt chỉ tiêu sản lượng, nhưng giá thành đường sản xuất ra luôn cao hơn một số nước trong khu vực.Ông Diệp Kỉnh Tần-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Ngành mía đường là ngành yếu nhất, đáng lo nhất khi chúng ta gia nhập WTO". Sự lựa chọn nơi đặt nhà máy đường, quy hoạch vùng mía nguyên liệu, mức đầu tư chưa hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của hầu hết các nhà máy đường.
Nhằm chấn chỉnh, định hướng phát triển ngành mía đường, ngày 15/2/2007, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã phê duyệt Quyết định số 26/2007/QĐ-TTG quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010, định hướng đến 2020. Theo tinh thần quyết định: sản xuất mía đường phải đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội và bền vững môi trường sinh thái, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấuu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá... để đến năm 2010 sản lượng đường phải đạt 1,5 triệu tấn, trong đó, đường công nghiệp 1,4 triệu tấn, đường thủ công quy đường trắng là 100.000 tấn. Tổng công suất thiết kế các nhà máy đường sẽ tăng lên 105.000 tấn mía/ngày, nhưng không phát triển thêm nhà máy.
Chương trình sản xuất 1,5 triệu tấn đường vào năm 2010, định hướng đến 2020 mang tầm nhìn chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, chương trình này chỉ mang lại kết quả mong muốn khi hàng loạt các vấn đề như: sản xuất nhỏ lẻ, nhà máy có công suất nhỏ, lạc hậu, năng lực quản lý kém, tiêu cực... được giải quyết một cách căn cơ và nhanh chóng.