Vùng nguyên liệu không ổn định
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam tiểu vùng ĐBSCL, diện tích trồng mía ở ĐBSCL là 52.500 ha, tăng 10% so niên vụ mía đường 2008-2009. Diện tích trồng mía tập trung vào các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre nên các địa phương này thừa nguyên liệu khi thu hoạch rộ. Các địa phương khác lại thiếu mía nguyên liệu. Vụ mía đường năm nay, nông dân tỉnh Hậu Giang trồng được 13.000 ha, giảm khoảng 2.000 ha so vụ trước.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, diện tích trồng mía giảm mạnh do thu nhập của người trồng mía bấp bênh và thấp hơn trồng lúa, nhiều người đã phá rẫy mía trồng lúa. Tỉnh Sóc Trăng hiện có 12.000 ha mía tập trung ở huyện Cù Lao Dung, Long Phú và huyện Mỹ Tú.
Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng trăn trở: thu nhập của người trồng mía không cao, mặt khác các vùng mía tập trung thường thiếu nhân công trong khâu thu hoạch. Tương tự, diện tích trồng mía ở Tỉnh Cà Mau đang giảm mạnh để nhường chỗ cho tôm sú.
Riêng ông G.Madhava Raju, Giám đốc Công ty mía đường NIVL (Long An) cho biết: ở tỉnh này, diện tích đất cho các khu công nghiệp tăng nhanh, nông hộ trồng mía thiếu nhân công thu hoạch nên diện tích trồng mía giảm mạnh.
Mua - bán mía non
Năm nay tình hình mưa lũ được dự báo đến sớm, một vài nhà máy có kế hoạch vào vụ sản xuất sớm để giúp người trồng mía thu hoạch chạy lũ. Trong đó, Công ty cổ phần mía đường cồn Long Mỹ Phát đã chuẩn bị 30.000 tấn mía trong vùng lũ của tỉnh Hậu Giang để sản xuất từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL cảnh báo hội chứng “gà ghét nhau tiếng gáy” nên khi nhà máy này đi vào hoạt động, các nhà máy khác không thể yên tâm đứng nhìn dù mía chưa đến kỳ thu hoạch.
Ông Trịnh Minh Châu, Thành viên Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, kết quả khảo sát và phân tích các mẫu mía ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang; huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho thấy đường bình quân trong mía chỉ đạt từ 4,2 đến 4,4 chữ.
Ông Châu giải thích: “Do mía còn trong giai đoạn phát triển nên chữ đường rất thấp, đến giữa tháng 9 trở đi thì mía mới đạt 7 đến 8 chữ đường. Ông Châu cho rằng thời điểm thích hợp nhất để các nhà máy đường thu mua là giữa tháng 9 tới.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ tính toán: Nếu thu hoạch 9.000 ha mía ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang sớm 1 tháng sẽ làm mất đi của xã hội khoảng 150 tỷ đồng.
Ông G.Madhava Raju, Giám đốc Công ty mía đường NIVL bổ sung thêm: Nếu các nhà máy đường ở ĐBSCL chậm vào vụ sản xuất mới 1 tháng thì lượng đường ở ĐBSCL sẽ tăng thêm 25.000 tấn. Do đó, ông mong muốn các nhà máy đường cùng chậm sản xuất niên vụ mới, để nâng cao sản lượng mía, chữ đường trong mía để tăng thu nhập cho nông dân.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng: 1 tấn mía sản xuất được 60 kg đường, do đó khi giá đường ở mức 10.000 đồng/kg thì các nhà máy phải thu mua mía 600 đồng/kg. Khi giá đường ở mức 12.000 đồng/kg thì giá mía phải ở mức 720 đồng/kg, khi giá đường giảm, giá mía cũng sẽ giảm tương ứng.
“Nếu lũ xảy ra, tất cả các nhà máy đường phải hoạt động để tiêu thụ mía cho nông dân. Khi chưa có lũ, các nhà máy đường phải tuân thủ nguyên tắc không thu mua mía non với sản lượng và chữ đường thấp” - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.