Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng 8, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cũng buộc phải bán tháo mía non cho các lò đường thủ công, trong khi tới giữa tháng 9-2010, các nhà máy đường ở ĐBSCL mới bắt đầu hoạt động.
Ông Lê Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Năm nay, toàn huyện xuống giống hơn 8.300 ha mía. Trong đó, 18 ha đã thu hoạch, bán cho các lò đường thủ công với giá từ 850 - 950 đồng/kg”. Theo ông Tự, sở dĩ giá mía đầu vụ năm nay cao hơn từ 250 - 350 đồng/kg so với năm ngoái vì ở TPHCM đang thiếu mía ép lấy nước và các lò thủ công đang cần mía nguyên liệu.
Còn theo anh Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ nông nghiệp xã Phụng Hiệp: “Vì xã chưa có đê bao khép kín nên 90% diện tích mía phải thu hoạch sớm để chạy lũ, sau đó lên liếp trồng lúa. Nông dân lo sợ chính vụ sẽ rớt giá nên dù mía chưa đạt chữ đường vẫn ùn ùn bán tháo. Dự kiến đến rằm tháng 8 âm lịch, toàn bộ mía 333 ha của xã sẽ bán hết”. Tuy số lượng bán mía non chưa nhiều nhưng làm dấy lên nỗi lo giành giật, nâng giá vì thiếu nguyên liệu giữa các nhà máy.
Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và Nhà máy đường Long Mỹ Phát sẽ bao tiêu khoảng 6.000 ha mía ở huyện Phụng Hiệp với mức giá bảo hiểm 600 đồng/kg (loại 10 CCS mua tại nhà máy). Như vậy, còn khoảng 2.300 ha mía nông dân không chịu ký hợp đồng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Casuco cho rằng: “Hiện tượng bán mía non không xảy ra trong vùng nguyên liệu của công ty. Việc bà con bán mía non là lựa chọn của họ. Nhưng nếu để mía vô chính vụ, trọng lượng, chữ đường tăng, mía sẽ có giá hơn”.
Vừa qua, Casuco ký bao tiêu 9.000 ha mía ở Hậu Giang, Cù Lao Dung (2.700 ha), Trà Vinh (500 ha), Kiên Giang (1.800 ha). Cách làm này trong nhiều năm qua đã đảm bảo lợi ích của nông dân và doanh nghiệp.
Đối với những hộ dân không ký hợp đồng, Casuco vẫn thu mua nhưng sẽ có giá thấp hơn 5 đồng/kg so với những hộ được bao tiêu. Đồng thời, số mía không hợp đồng không được ưu tiên lên cầu cảng như mía đã có hợp đồng tiêu thụ.
Năm nay, xảy ra tình trạng nông dân thu hoạch mía ồ ạt để chạy lũ nên mía ngoài hợp đồng chắc chắn phải chờ lâu tại cầu cảng, mà chờ lâu mía giảm chữ đường, kéo theo giảm giá.