Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao giá đường tăng?
11 | 08 | 2010
Thời gian qua, giá đường trên thị trường Việt Nam không ngừng nhẩy múa theo xu thế tăng.

Diễn biến giá đường thời gian qua

Hai tháng đầu năm 2010, giai đoạn có tết cổ truyền, nhu cầu đường cho tiêu dùng tăng nên giá đường trong nước tăng lên, tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giá đường tăng trung bình từ 7,5-9,8% so với tháng 12/2009.

Diễn biến giá đường tại một số thị trường



Nguồn: AGROINFO

Bước sang tháng 3, khi các nhà máy đường trở lại vụ ép đồng thời là thời điểm sau tết nên giá có giảm đôi chút. Tuy nhiên đến tháng 4 và 5, giá đường lại tăng với mức trung bình 3,5-4%/tháng trước khi quay đầu giảm nhẹ trong tháng 6 nhưng vẫn duy trì ở mức cao, từ 18.500-19.000 đồng/kg.

Đến những ngày đầu tháng 7, khi vụ ép mía đã kết thúc, mặc dù lượng đường tồn kho tại các nhà máy được xác định là cao hơn so với cùng kỳ năm 2009 khoảng 55 nghìn tấn nhưng giá đường lại có xu hướng tăng với mức trung bình 2.000-3.000 đồng/kg tại các thị trường.

Trước diễn biến giá đường liên tục tăng, đặc biệt ngay cả khi lượng tồn kho trong nước được coi là “dồi dào” đã tạo nên tâm lý lo lắng cho nhiều người dân khi mà theo thông lệ thời điểm này chưa phải là thời điểm gia tăng tiêu dùng đường của thị trường nội địa.

Nguyên nhân giá đường tăng

Thứ nhất, mất cân đối cung cầu nội địa

Trong 10 năm qua, tiêu thụ đường bình quân/người của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 30-40%. Để đảm bảo nhu cầu ngày một tăng đáng lẽ sản xuất đường cũng phải tăng tương ứng, nhưng thực tế sản lượng đường của Việt Nam lại đang có xu hướng giảm xuống. Trong niên vụ 2009/10, sản lượng đường chỉ đạt khoảng 916 nghìn tấn và nếu tính cả lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch là 200 nghìn tấn thì Việt Nam vẫn thiếu hụt một lượng đường rất lớn.

Thứ hai, khó khăn nguyên liệu mía

Niên vụ 2009/2010, do xảy ra tình trạng thiếu mía nguyên liệu nên giá mía tăng cao. Vào thời điểm tháng 1/2010, giá mía ở Hậu Giang chỉ vào khoảng 800-1.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 3 mức giá này đã tăng lên 1.200-1.250 đồng/kg. Theo tính toán của các nhà máy, chi phí nguyên liệu chiếm tới 60-65% tổng giá thành đường, do vậy, giá mía tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất đường.

Thứ ba, giá đường thế giới tăng

Diện tích mía thế giới có xu thế giảm; đồng thời, mía được sử dụng để sản xuất ethanol thay cho nhiên liệu hóa thạch ngày một tăng nên sản lượng đường thế giới giảm. Năm 2010, theo ước tính của các tổ chức quốc tế, cầu về đường sẽ vượt cung khoảng 6-7 triệu tấn. Sự mất cân bằng này đã đẩy giá đường thế giới tăng lên, tại các thị trường lớn như NewYork, LonDon, Thái Lan, giá đường trung bình tăng 11,08-22,13% so với năm 2009. Trong khi đó, Việt Nam hiện phải nhập một lượng lớn đường để đảm bảo tiêu dùng. Do vậy, khi giá đường thế giới tăng, tất yếu sẽ kéo theo giá đường trong nước tăng lên.

(Trích từ Báo cáo thị trường mía đường Việt Nam 6 tháng đầu năm 2010 của AGROINFO)



Đỗ Văn Hảo/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường