Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo thị trường đường niên vụ 2006/2007
09 | 10 | 2007
Theo dự báo của tổ chức Nông-Lương Liên hiệp quốc (FAO), thị trường đường niên vụ 2006/2007 có những đặc điểm chính sau:
Giá cả

Giá đường thế giới trong những tháng gần đây đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục 25 năm qua vào đầu năm 2006. Có nhiều yếu tố làm giá đường thế giới giảm, đặc biệt phải kể đến dự đoán về khả năng sản lượng mặt hàng này sẽ tăng lên trong vụ 2006/07 và sự suy yếu của giá dầu mỏ nói chung và nhu cầu thu mua của các quỹ hàng hoá nói riêng. Giá dầu mỏ giảm cùng những dự đoán gần đây về khả năng thế giới có thể dư thừa nguồn cung đường sẽ tiếp tục tạo sức ép giảm giá đối với đường về dài hạn. Trong quí 3/06, giá đường bình quân ngày của ISA (Hiệp định Đường Quốc tế) đạt 13,86 UScent/lb, giảm 18% so với mức bình quân 16,98 UScent/lb của quí 1/06.

Giai đoạn tháng 9-10/06, giá đường bình quân tháng của ISA ước đạt lần lượt 12,08 Uscent/lb và 11,64 UScent/lb. Kể từ tháng 7/06, giá đường thế giới liên tục giảm dưới áp lực từ các yếu tố như dư thừa nguồn cung, giá dầu mỏ suy yếu và kho dự trữ đường, ethanol tại Braxin-nước sản xuất đường lớn nhất thế giới-tăng vững. Giá đường thế giới vụ 2006/07 sẽ chịu tác động tiêu cực từ dự báo về sự gia tăng kỷ lục sản lượng mặt hàng này tại các nước sản xuất chính, trong khi tiêu thụ lại có xu hướng giảm khiến thị trường toàn cầu có thể dư thừa nguồn cung.

Sản xuất

Theo dự báo của FAO, sản lượng đường thế giới vụ 2006/07 có thể đạt 155,5 triệu tấn, tăng 4,3% so với vụ 2005/06 nhờ sự gia tăng sản lượng của Braxin, Nga, Mỹ, vùng Viễn đông Châu Á và Đông Âu, trong đó riêng sản lượng của các nước đang phát triển dự báo đạt 116,5 triệu tấn, tăng 9,7%. Giá đường tăng cao trong 2 năm qua đã tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng diện tích canh tác, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, nhu cầu về ethanol cũng như nhiên liệu sinh học tăng lên đã tạo ra xu thế toàn cầu về việc đẩy mạnh sản xuất đường cũng như tiến trình đổi mới và xây dựng các nhà máy chế biến đường.

Sản lượng đường của khu vực Mỹ la tinh và vùng Caribê vụ 2006/07 dự đoán đạt 51,4 triệu tấn, trong đó sản lượng của Braxin có thể đạt mức kỷ lục 31 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với vụ 2005/06. Năm 2007, sản lượng mía đường của Mỹ la tinh và vùng Caribê dự đoán đạt 420 triệu tấn.

Vụ 2006/07, sản lượng đường của Mêxicô dự đoán đạt 5,8 triệu tấn, tăng nhẹ so với vụ 2005/06, song vẫn thấp hơn mức kỷ lục 6,1 triệu tấn vụ 2004/05. Điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi được coi là yếu tố hỗ trợ cho sản xuất mía đường vụ 2006/07 của Mêxicô, bất chấp diện tích trồng mía giảm sút so với vụ trước.

Sản lượng đường vụ 2006/07 của Guatemala có thể đạt 2,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với vụ 2005/06 nhờ diện tích trồng mía được mở rộng. Năng suất mía vụ 2006/07 của Guatemala dự báo vẫn duy trì ở mức trên 85 tấn/ha như vụ trước. Thời tiết diễn biến thuận lợi cũng được coi là yếu tố giúp sản lượng đường vụ 2006/07 của Cuba tăng nhẹ so với vụ trước, lên đạt 1,4 triệu tấn.

Sản lượng đường của các nước đang phát triển thuộc châu Phi vụ 2006/07 có thể tăng nhẹ so với vụ trước, đạt 10,6 triệu tấn, nhờ sự gia tăng sản xuất mặt hàng này tại Ai Cập, Kenya, Mauritius, Mozambique và Sudan. Hiện nay, Ai Cập đang tiếp tục đầu tư vào ngành củ cải đường và có kế hoạch thành lập 5 nhà máy chế biến đường mới, trong đó nhà máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2007. Nhờ tiến hành đầu tư vào các nhà máy chế biến đường xuất khẩu trong thời gian gần đây, sản lượng đường của Mozambique dự đoán sẽ đạt gần 300.000 tấn trong vụ 2006/07, tăng mạnh so với mức 40.000 tấn vào cuối những năm 1990.

Theo FAO, sản lượng đường của khu vực Viễn Đông Châu Á vụ 2006/07 dự báo sẽ đạt 52,7 triệu tấn, tăng 6,9 triệu tấn (15,1%) so với vụ trước do các nhà sản xuất phản ứng tích cực với giá đường tăng cao và sự gia tăng nhu cầu về ethanol. Sản lượng đường vụ 2006/07 của tất cả các nước sản xuất chính trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Thái Lan, được dự báo đều tăng lên, trong đó riêng sản lượng đường của Ấn Độ có thể đạt mức kỷ lục 24 triệu tấn nhờ hàng loạt các yếu tố hỗ trợ như diện tích trồng mía được nâng lên, giá đường nội địa tăng cao và thời tiết diễn biến thuận lợi tại miền nam và trung nước này.

Nhờ giá đường nội địa tăng cao cùng năng suất thu hoạch mía cao, sản lượng đường vụ 2006/07 của Trung Quốc được dự đoán tăng 15% so với vụ 2005/06, lên đạt 11,3 triệu tấn.

Vụ 2006/07, sản lượng đường của Thái Lan có thể đạt 6,9 triệu tấn, tăng 30% so với vụ 2005/06, trong khi Indonesia đạt 2,5 triệu tấn, tăng 200.000 tấn. Năm 2007, thị trường Philippines được dự báo cũng sẽ dư thừa đường cho xuất khẩu.

Sản lượng đường của các nước phát triển vụ 2006/07 dự đoán giảm 9,1% so với vụ trước, xuống còn 39,1 triệu tấn, trong đó sản lượng của Liên minh Châu Âu (EU) có thể giảm 23% (từ 21,4 triệu tấn vụ 2005/06, xuống còn 16,5 triệu tấn vụ 2006/07) do ảnh hưởng của chính sách cải cách đường. Vụ 2006/07, sản lượng đường của Nga, Mỹ dự báo lần lượt đạt 3,1 triệu tấn và 7,6 triệu tấn, tăng tương ứng 15% và 14% so với vụ trước, trong khi Nam Phi và Australia có thể giảm xuống còn các mức tương ứng 2,4 triệu tấn và 4,9 triệu tấn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt như khô hạn và mưa lớn.

Tiêu thụ

Theo FAO, tiêu thụ đường thế giới vụ 2006/07 dự báo đạt 152,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với mức 149,9 triệu tấn vụ 2005/06, song thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 2,4% của 10 năm qua. Tiêu thụ đường của các nước đang phát triển vụ 206/07 có thể đạt 104,3 triệu tấn, tăng 1,8% so với vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân của các năm qua. Điều này đã phản ánh sự tác động tiêu cực của việc giá đường tăng cao trên thị trường quốc tế (đặc biệt là tại châu Phi và châu Á) trong khi cầu tiêu thụ các viên ngọt tinh bột thay thế tại một số nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mêxicô lại tăng lên.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên tại các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Ấn Độ và vùng Viễn Đông châu Á. Đối với các nước phát triển, tiêu thụ đường bình quân đầu người vụ 2006/07 được dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm trước những lo ngại về vấn đều sức khoẻ và sự phát triển của thị trường viên ngọt thay thế. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của các nước phát triển dự đoán tăng dưới 1% so với vụ 2005/06, lên đạt 47,9 triệu tấn.

Tiêu thụ đường vụ 2006/07 của khu vực Mỹ la tinh và Caribê dự đoán đạt 27,8 triệu tấn, tăng trên 1% so với vụ 2005/06, trong đó riêng mức tiêu thụ của Braxin và Mêxicô có thể tăng đạt lần lượt 11,3 triệu tấn và 5,6 triệu tấn.

Nhu cầu tiêu thụ đường tại các nước đang phát triển thuộc khu vực Viễn Đông châu Á vụ 2006/07 có thể đạt 54,9 triệu tấn, tăng 2,1% so với vụ trước, song vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 3,4% của 10 năm qua. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của Trung Quốc và Ấn Độ dự đoán đều tăng lên so với vụ trước, lần lượt đạt 12,9 triệu tấn và 21 triệu tấn.

Tiêu thụ đường của vùng Cận Đông và châu Phi vụ 2006/07 dự đoán cũng đều tăng so với vụ trước, lần lượt đạt 11,9 triệu tấn (tăng 240.000 tấn) và 9,5 triệu tấn.

Theo nhận định của FAO, tiêu thụ đường tại các nước phát triển vụ 2006/07 nhìn chung khá ổn định và dự đoán tăng 350.000 tấn (0,8%) so với vụ trước, lên đạt 47,9 triệu tấn, trong đó tiêu thụ đường của EU có thể đạt 17,8 triệu tấn. Vụ 2006/07, nhu cầu tiêu thụ đường của Bắc Mỹ và Nga dự đoán đều tăng nhẹ so với vụ trước, lần lượt đạt 10,7 triệu tấn và 6,6 triệu tấn.



(Nguồn: Thitruong)
Báo cáo phân tích thị trường