Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu mía Tây Ninh
20 | 08 | 2009
Cây mía là một thế mạnh của tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, những năm gần đây sự thăng trầm của cây mía đã làm nản lòng người nông dân, khiến diện tích trồng mía sụt giảm. Việc khôi phục vùng nguyên liệu mía đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể phát triển bền vững, lâu dài.

Thực trạng vùng chuyên canh

Ðã hơn mười năm, kể từ khi Tây Ninh thành công trong thực hiện công nghiệp hóa ngành chế biến mía đường, gắn liền sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển được vùng nguyên liệu chuyên canh rộng lớn, giúp hàng chục nghìn hộ nông dân ổn định cuộc sống với nghề trồng mía, nhưng khi nhìn lại, qua ngần ấy thời gian, nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao năng suất mía không tăng? Thậm chí, theo số liệu của một nhà máy đường trong tỉnh, năng suất mía trong sáu niên vụ gần đây chỉ dao động trong khoảng 45 - 49 tấn/ha, nhất là vụ mía 2008 - 2009, tổng diện tích mía của Tây Ninh chỉ đạt hơn 17.200 ha, chỉ đáp ứng dưới 50% công suất thiết kế của các nhà máy đường.

Nguyên nhân cây mía cho năng suất thấp chủ yếu là do quy hoạch vùng nguyên liệu, việc cải tạo hạ tầng không theo kịp với sự phát triển nhanh của cây mía ở vùng đất thấp, cộng với giá cả vật tư tăng cao, riêng phân bón năm 2008 có lúc tăng giá gần gấp 3 lần so cùng thời điểm năm 2007, kết hợp với việc mía bị cháy xảy ra khá nhiều chưa khắc phục được, vượt tầm tự bảo vệ của người trồng mía... khiến việc trồng mía càng thêm khó khăn.

Năng suất sụt giảm còn do người trồng mía chủ quan như: kỹ thuật làm đất thường không đạt độ sâu theo tiêu chuẩn, chưa quan tâm nhiều đến diệt cỏ dại, bón phân không đúng kỹ thuật, quy trình, không đủ liều lượng quy định, thu hoạch mía không theo lịch, để mía bị phơi bãi lâu làm giảm khối lượng và chữ đường. Một điều cần nói đến là có nhiều nông dân, ngoài vốn vay của nhà máy, họ không đủ vốn tự có "bồi bổ" cho cây mía phát triển mạnh, đồng thời cũng có nhiều người sử dụng vốn nhà máy đường đầu tư sai mục đích, hoặc chỉ đầu tư một phần, còn lại sử dụng vào việc khác cho gia đình nên ruộng mía sinh trưởng không theo mong muốn.

Ngoài ra, giá thu mua mía nguyên liệu là một yếu tố rất quan trọng quyết định số diện tích tăng thêm trong năm. Mặc dù các nhà máy đường đều công bố giá sàn bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ, nhưng thời gian qua cho thấy, năm nào mía có giá cao thì diện tích tăng và ngược lại, vì nông dân có thể dễ dàng thay đổi cây trồng để chạy theo lợi nhuận, làm cho vùng nguyên liệu mía biến thành "da beo" với nhiều loại cây khác nhau, gây khó khăn cho các khâu tưới, tiêu, thu hoạch, các nhà máy đường thấy vậy cũng không dám mạnh dạn đầu tư lâu dài. Tất cả khiến vùng chuyên canh cây mía luôn không ổn định.

Khôi phục và phát triển cây mía

Thời gian qua, mía là một trong số ít cây trồng được tỉnh Tây Ninh quan tâm hỗ trợ, đầu tư nhiều nhất. Ðể đáp ứng nguyên liệu cho ba nhà máy chế biến mía đường công nghiệp, với tổng công suất 12.500 tấn mía cây/ngày, có khả năng tiêu thụ từ 1,8 đến 1,9 triệu tấn mía cây/năm, Tây Ninh đã quy hoạch vùng chuyên canh đến năm 2010 ở bốn huyện, với tổng diện tích hơn 41.500 ha; đầu tư hơn 410 tỷ đồng cho hệ thống thủy lợi gồm kênh Tân Châu, kênh Tân Hưng, kênh TN17, cùng hàng loạt các kênh tiêu, trạm bơm; xây dựng hàng chục con đường nối các vùng nguyên liệu, với kinh phí hơn 79 tỷ đồng. Các nhà máy đường cũng đã đầu tư hơn 23 tỷ đồng cho các cơ sở nội bộ trong vùng mía của mình.
Tuy vậy, việc đầu tư cho hạ tầng vẫn còn chưa đủ, thiếu đồng bộ và chưa tương xứng với vùng nguyên liệu được quy hoạch, để tăng năng suất cây mía, giảm được giá vận chuyển, đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân trồng mía.

Ðối với vấn đề năng suất, trên thực tế đồng đất Tây Ninh cho thấy, cây mía có thể vượt 100 tấn/ha, điển hình như các hộ nông dân Nguyễn Minh Tâm, Phan Tấn Thành ở huyện Dương Minh Châu; Bùi Thanh Cần, Trần Văn Hà ở huyện Tân Biên..., họ đã trồng mía theo các quy chuẩn như giống tốt, chuyên cần thâm canh, áp dụng đúng KHKT, vốn đầu tư cao hơn mức của các nhà máy (30 triệu đồng/ha mía trồng mới, 25 - 27 triệu đồng/ha mía gốc) sẽ có hiệu quả, mức lãi từ 20 tới hơn 30 triệu đồng/ha tùy theo giá cả từng vụ. Nếu được cơ giới hóa triệt để trong các khâu chăm sóc, thu hoạch, mức lãi sẽ còn cao hơn. Ðã có lúc một số nhà máy đường yêu cầu tỉnh tìm thêm quỹ đất để mở rộng vùng chuyên canh nhằm tăng sản lượng, nhưng theo nhiều chuyên gia mía đường, chính việc tăng năng suất mới là điều cốt lõi, là giải pháp cơ bản để đáp ứng, bảo đảm sản lượng cho các nhà máy, và có lợi cho cả hai bên, nhà máy và nông dân. Do đó, việc hỗ trợ mọi mặt cho người trồng mía đạt năng suất cao phải được ưu tiên, để họ gắn bó hơn với cây mía.

Trước mắt, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định tạm thời hỗ trợ 500.000 đồng cho mỗi ha mía trồng mới có hợp đồng. Các nhà máy cũng có nhiều chính sách khuyến khích nông dân trồng thêm mía như hỗ trợ không hoàn lại về giống, lưu giữ mía gốc, nước tưới, đồng thời, tăng thêm vốn vay phục vụ thâm canh, kể cả cho vay dài hạn để thuê đất trồng mía. Riêng Công ty SBT (nhà máy đường Bourbon) đã thành lập "Câu lạc bộ 100 tấn/ha", với nhiều ưu đãi, như chủ mía được đầu tư thêm 5 triệu đồng/ha, thưởng 3 triệu đồng/ha cho diện tích mía đạt từ 100 tấn/ha trở lên. Vụ mía vừa qua, những nông dân không tham gia câu lạc bộ vẫn được thưởng nếu đạt năng suất này.

Ðầu năm 2008, Công ty SBT đã mời một nhóm nhà khoa học do Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân dẫn đầu đến khảo sát, nghiên cứu vùng nguyên liệu mía. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của vùng chuyên canh mía, trong đó quan trọng hàng đầu là vấn đề năng suất rất thấp, chi phí sản xuất cao, giá thu mua chưa hợp lý...

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, triển vọng về mía đường ở nước ta khá lớn, trong đó Tây Ninh có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc trồng mía. Ðể khôi phục và phát triển diện tích cây mía, trong sản xuất phải có tổ chức theo hướng hợp tác hóa, thành lập hội, hợp tác xã những người trồng mía cho từng vùng, từng nhà máy, sau đó phát triển thành hiệp hội của tỉnh, và nhân tố này sẽ tạo được sự liên kết chặt chẽ để sản xuất hiệu quả. Thông qua hiệp hội, với sự kết hợp của "bốn nhà", người nông dân được đào tạo cụ thể: Ở địa phương nào trồng giống gì với biện pháp canh tác cho từng loại đất, sử dụng phân hữu cơ, phân bón đa-vi lượng ra sao... từ đó mới có được quy trình tổng thể cho cả vùng nguyên liệu, giúp nông dân tiếp cận được các kỹ thuật cao nhất để trở thành những người trồng mía chuyên nghiệp.

Khi người trồng mía đã đạt được năng suất cao từ 100 tấn/ha trở lên, họ sẽ không quay lưng với cây mía. Mong rằng với sự vận dụng chính sách "tam nông" tích cực của tỉnh, cây mía sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững, lâu dài.



Theo TNN
Báo cáo phân tích thị trường