Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường Biên Hòa phát triển vùng nguyên liệu ở Campuchia
19 | 07 | 2011
Công ty đường Biên Hòa đang có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tại Campuchia. Diện tích trồng mía dự kiến vào khoảng 20.000 héc ta.

Theo bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đường Biên Hòa, quyết định đầu tư vùng nguyên liệu sang Campuchia vì vùng nguyên liệu trồng mía trong nước không đáp ứng được chiến lược phát triển của công ty. “Trước đây, khi chúng tôi xin xây dựng nhà máy đường tại Đồng Nai nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu phải xây tại Tây Ninh vì muốn giúp người dân ở đây cải thiện đời sống”, bà Sum cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Sum, tính đến nay UNBD tỉnh Tây Ninh vẫn chưa xong quy hoạch cho vùng trồng mía vì phần lớn đất trồng các loại cây như cây cao su, khoai mì (sắn), mía là của người dân nên tỉnh khó đưa cây mía vào quy hoạch chi tiết. “Hiện giá trị kinh tế của cây cao su, khoai mì cao hơn cây mía nên UBND tỉnh Tây Ninh khó vận động người dân chuyển đổi sang cây mía như từng đã nói trước đây”, bà Sum nói.

Theo UNBD tỉnh Tây Ninh, diện tích trồng mía của toàn tỉnh vào khoảng 26.000 héc ta và đến năm 2015 theo quy hoạch sẽ tăng lên 37.000 héc ta nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh để tăng thêm diện tích mía trong những năm tới sẽ phần nào gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với cây cao su, khoai mì. “Nếu lợi nhuận trên một héc ta trồng mía tiếp tục tăng thì mới hy vọng diện tích trồng mía tăng lên được”, ông Quang cho hay.

Theo Công ty cổ phần đường Biên Hòa thì sau khi phát triển vùng trồng mía tại Campuchia thì các cổ đông của công ty cũng muốn dời nhà máy sản xuất đường ở Tây Ninh sang Campuchia để tận dụng hết công suất thiết kế của nhà máy.

Theo Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối hiện cả nước 39 nhà máy đường tại 25 tỉnh, tuy vậy, chỉ có 16 tỉnh đã có quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường, còn 9 tỉnh vẫn đang trong quá trình rà soát quy hoạch vùng trồng mía nguyên liệu.

Theo Ngọc Hùng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn



Báo cáo phân tích thị trường