Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ NN và PTNT: hội nghị sản xuất và tiêu thụ mía đường vụ 2009 - 2010
05 | 08 | 2009
Ngày 3/8/2009, tại Nhà máy Đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị sản xuất và tiêu thụ mía đường vụ 2009 - 2010 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Hiệp hội mía đường Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đại diện UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Khoa học công nghệ Hậu Giang, Đại học Cần Thơ và đại diện lãnh đạo 10 nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh cùng các phóng viên báo đài đã đến dự và đưa tin. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì hội nghị.

Theo Bộ NN và PTNT, vùng ĐBSCL vụ sản xuất mía đường 2008 - 2009, sản lượng mía đường của cả nước đều giảm, lượng đường sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá đường trong nước giữ ổn định ở mức tương đối cao (10.000đồng/kg đường). Hiện, toàn vùng có 10 nhà máy đường hoạt động với tổng công suất ép 22.500 tấn mía cây/ngày. Theo số liệu tổng hợp từ các công ty, nhà máy đường diện tích mía hiện có là 52.500ha, tăng 10% so vụ trước. Tùy theo năng suất bình quân từng nơi, tổng sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2009 - 2010 dự kiến là 3,8 triệu tấn. Tuy nhiên, đặc thù về sản xuất mía đường ở ĐBSCL là vùng nguyên liệu liên thông nhau, vì sợ nhà máy vào ép sớm khi hết mía sẽ tranh mua nguyên liệu của mình nên các nhà máy đường thường vào sản xuất đồng loạt (chênh lệch nhau chỉ trong vòng 10 ngày). Vì vậy, phải căn cứ vào tình hình mía chín của cả vùng để quyết định thời gian vào vụ cho phù hợp.

Phát biểu kết luận hội nghị Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng: thời gian qua công tác đầu tư cho sản xuất mía ở ĐBSCL còn quá thấp. Vì vậy, để cây mía tiếp tục tồn tại và phát triển, Nhà nước sẽ đầu tư thêm vào các lĩnh vực như giống, bờ bao chống lũ, cơ giới hóa trong khâu chăm sóc và thu hoạch để giúp người trồng mía đỡ vất vả. Tuy nhiên, từng địa phương cần tiến hành quy hoạch cụ thể. Nên chọn các mô hình trồng mía xen với nuôi tôm, cá trong ao mương là phù hợp để tăng lợi nhuận cho nông dân và giữ được diện tích mía. Bên cạnh đó, các nhà máy nên cùng nhau hợp tác để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người trồng mía và nhà máy đường. Điều lo ngại lớn nhất hiện nay là vùng nguyên liệu và sự gắn kết của các nhà máy. Hiện, các vùng nguyên liệu mía khác của cả nước được phân bổ khá rạch ròi, trong khi ở ĐBSCL lại có hiện tượng nhà máy của tỉnh này đến tỉnh khác thu mua thêm nguyên liệu và vùng nguyên liệu phân bổ có sự chồng lấn lên nhau. Tuy số lượng không lớn nhưng đôi lúc đã làm đảo lộn thị trường. Vì vậy trong thời gian tới, Bộ yêu cầu Ban Điều hành Hiệp hội Mía đường và tiểu vùng ĐBSCL, cũng như các nhà máy đường, cần ngồi lại để bàn cụ thể việc phân bổ vùng nguyên liệu cho từng nhà máy mua thêm ở các tỉnh trước khi vào vụ (dự kiến ngày 15/9/2009).

Thứ trưởng nhấn mạnh: hiện tại vùng bị lũ cần có sự theo dõi chặt chẽ dự báo lũ, đảm bảo thu mua hết mía của dân trước khi lũ về, bất kể trữ đường là bao nhiêu, không để dân bị thất thu do lũ. Vùng không bị lũ phải bảo đảm ít nhất là 8 trữ đường trở lên mới thu hoạch. Nếu có thể kéo lui, thu hoach chậm hơn 10 ngày sẽ tăng lên 1 trữ đường, có lợi cho dân. Thời gian thu hoạch mía căn cứ vào tình hình thực tế các vùng mía đang trồng dự kiến sẽ bắt đầu từ 15/9/2009 và kéo dài đến tháng 3 năm 2010. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư cho ngành mía đường để tăng sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam. Cần có chính sách và biện pháp khoa học kỹ thuật và khuyến nông để thúc đẩy việc tăng năng suất và tăng chất lượng các vùng trồng mía.

Thanh Thuý - TTKNKNQG



Báo cáo phân tích thị trường