Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thiếu mía nhưng vẫn… tranh mua, tranh bán
11 | 09 | 2008
Năm nào ở ĐBSCL cũng xảy ra tình trạng các nhà máy cùng thu mua trên một vùng nguyên liệu nên thường xảy ra tranh chấp... Ngày 9/9, đã có một hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bàn hướng khắc phục.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định rằng vụ sản xuất mía đường năm 2008-2009 các tỉnh ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức lớn và gặp nhiều khó khăn so với các vụ trước. Chính vì vậy, sáng ngày 9/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị ở Sóc Trăng nhằm tìm hướng phát triển sản xuất mía đường ở khu vực này.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, ĐBSCL là vùng sản xuất mía đường trọng điểm của cả nước với tổng diện tích trên 65.000ha, chiếm 36% sản lượng đường toàn quốc. Năm ngoái toàn vùng phát triển được trên 69.000ha mía nhưng năm nay chỉ còn trên 64.500ha nên các nhà máy đường cần phải gắn kết với nông dân để giữ vững diện tích mía ở những vùng trọng điểm vì nếu thiếu nguyên liệu các nhà máy sẽ khó tồn tại.

Điệp khúc tranh mua, tranh bán

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối, đặc điểm đáng chú ý của ĐBSCL là thời điểm thu hoạch mía không đồng loạt. Vùng mía tỉnh Hậu Giang thu hoạch từ giữa tháng 9 của năm trước để chạy lũ trong khi tỉnh lân cận là Sóc Trăng lại kết thúc vụ mía vào tháng 5 năm sau. Do đó, năm nào cũng xảy ra tình trạng các nhà máy cùng thu mua trên một vùng nguyên liệu nên thường xảy ra tranh chấp.

Mặc dù trước đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng với Hiệp hội Mía đường VN, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp họp bàn để thống nhất kế hoạch, giá mua mía nhằm đảm bảo cho nông dân và doanh nghiệp đều có lãi.

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp vùng nguyên liệu là do công tác tổ chức sản xuất chưa tốt, chưa tạo ra sự gắn kết giữa trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp với nông dân. Không chỉ vậy, hiện nay sự chỉ đạo của các cấp, các ngành còn thiếu cụ thể, chưa tạo ra được một hành lang pháp lý để duy trì sản xuất có tính bền vững để ổn định theo cơ chế thị trường.

Mặc dù có lúc các doanh nghiệp tranh nhau mua mía nhưng ĐBSCL vẫn có thời gian thừa mía. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Hậu Giang có 15.573ha mía nhưng năng lực của các nhà máy đường thuộc Công ty Mía đường Long Mỹ Phát và Công ty Mía đường Cần Thơ chỉ tiêu thụ mía trên diện tích khoảng 12.000ha, còn lại khoảng 3.500ha nông dân phải bán cho các nhà máy ngoài tỉnh.

Còn tại Sóc Trăng, nơi có diện tích mía đứng thứ hai khu vực ĐBSCL với 13.100ha nhưng năng lực ép mía của Nhà máy Đường Sóc Trăng chỉ tiêu thụ hết mía trên diện tích khoảng 6.300ha. Do đó, nông dân phải “tự bơi” đến các nhà máy khác khi thu hoạch 6.800ha còn lại.

Tương tự, tại hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre hiện đã phát triển được 14.200ha mía. Tuy nhiên, năng lực ép mía của hai nhà máy đường ở Trà Vinh và Bến Tre chỉ có thể “ngốn” được 9.600ha, 5.000ha còn lại nông dân chỉ biết trông chờ vào thương lái nên giá cả luôn bấp bênh theo hướng bất lợi cho người trồng mía. Mặc dù có lúc thừa mía nhưng năm nào giá đường trong nước tăng cao thì các nhà máy đường lại tranh mua làm cho một số nơi giá mía đột ngột “bay bổng” nhưng đến lúc giá đường hạ nhiệt thì giá mía cũng… “đụng đất”.

Cần có sự gắn kết

Năm nay ĐBSCL có thêm 2 nhà máy đi vào hoạt động nhưng Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng tổng công suất thiết kế của các nhà máy sẽ không tiêu thụ hết 65.000ha mía của toàn vùng nếu vụ này nông dân sản xuất mía đạt năng suất cao. Song, không trừ khả năng sẽ có giai đoạn các nhà máy thiếu mía nguyên liệu cục bộ vì các tỉnh không thu hoạch mía đồng loạt.

Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho rằng, mặc dù công suất của nhà máy đảm bảo tiêu thụ được 6.500ha mía nhưng các năm qua có lúc nhà máy đường thiếu nguyên liệu vì một số nhà máy trong khu vực nhảy vào vùng nguyên liệu của Sóc Trăng mua mía với giá cao hơn khi thấy giá đường tăng.

Ông Nguyễn Xuân Trình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN cho rằng giá mía ở ĐBSCL cao gấp rưỡi so với các khu vực khác nhưng giá đường bán ra tăng không đáng kể. Do đó, để cây mía ĐBSCL phát triển bền vững, các tỉnh trong khu vực nên sớm phân định vùng nguyên liệu cho từng nhà máy và hạn chế tối đa vấn đề hợp đồng thu mua mía qua trung gian để tránh tình trạng thương lái ép giá nông dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh: “Để phát triển vùng nguyên liệu mía ở ĐBSCL, doanh nghiệp và nông dân phải gắn kết với nhau. Không ai được vi phạm ký kết dù giá mía cao hay thấp để cùng nhau phát triển bền vững. Nếu nông dân hay doanh nghiệp cố tình vi phạm hợp đồng thì đưa thông tin trên các phương tiện truyền thông hoặc có thể đưa ra tòa án kinh tế xử lý để răn đe”.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường