Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường đường thế giới tháng 8/2008: giá tăng mạnh
11 | 09 | 2008
Giá tăng mạnh do sản lượng dự kiến giảm -Thế giới bắt đầu thiếu đường -Giá sẽ vững đến tăng trong tháng 9
Giá đường thế giới tăng mạnh trong tháng 8/2008, với đường thô tăng lên mức cao nhất của 21 tháng qua vào ngày cuối tháng, 15,01 US cent/lb, trong khi đường trắng tăng lên 410 USD/tấn, so với lần lượt chỉ 12,80 US cent/lb và 370 USD/tấn cuối tháng 7. Nhu cầu ethanol - loại nhiên liệu làm từ mía – tăng mạnh trên thị trường thế giới, sản lượng dự báo sẽ giảm ở hầu hết các nước sản xuất đường lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Trung Quốc, trong khi nước sản xuất đường lớn nhất thế giới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn đang hậu thuẫn giá đường.
Mặc dù thị trường nông sản đang có xu hướng dịu lại, song giá đường lại có nhiều yếu tố hậu thuẫn tăng. Dư cung đường thế giới đang giảm sút rất nhanh. Nhu cầu tăng trong khi sản lượng giảm sẽ làm cân bằng cung cầu trên thị trường đường bị thắt chặt hơn trong niên vụ 2008/09.
Hãng tư vấn F.O. Licht dự báo niên vụ 2008/09 có thể sẽ là niên vụ đầu tiên sản lượng đường thế giới sẽ giảm sau 4 năm liên tiếp tăng, trong khi, nhu cầu đường vẫn tiếp tục tăng. Jonathan Kingsman, chủ tịch hãng phân tích thị trường Kingsman SA of Lausanne của Thuỵ Sỹ dự báo tiêu thụ đường thế giới năm nay (bắt đầu từ ngày 1/10) sẽ cao hơn ít nhát 1 triệu tấn so với sản lượng. Còn hãng Czarnikow Group Ltd. ở London thì dự báo nhu cầu sẽ cao hơn cung ít nhất 3,3 triệu tấn trong vụ tới, sau khi dư thừa tới 11 triệu tấn trong niên vụ này. Theo Czarnikov, niên vụ 2008/09 thế giới sẽ chỉ sản xuất được 164,1 triệu tấn đường, giảm 8 triệu tấn, trong khi tiêu thụ lại ước tăng từ 161,6 triệu tấn lên 166,4 triệu tấn. Sản lượng đường toàn cầu giảm chủ yếu là do những thay đổi đang diễn ra trong ngành đường Ấn Độ và châu Âu, hai nơi sản xuất đường chủ chốt thế giới. Sản lượng của hai nước này dự báo sẽ giảm sút.
Sản lượng mía của Ấn Độ trong vụ bắt đầu từ 1/10/2008 dự kiến sẽ giảm 25% xuống còn 20 triệu tấn vì nông dân chuyển nhiều diện tích trồng mía sang trồng những loại cây khác và lượng mưa ít hơn mức bình thường. Giá đường trên thị trường nội địa Ấn Độ tăng mạnh nhất trong vòng ít nhất 3 năm qua, khiến các nhà xuất khẩu đường tại Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, đang trì hoãn ký kết hợp đồng xuất khẩu mới. Xuất khẩu giảm từ Ấn Độ có thể sẽ hậu thuẫn cho giá đường thô thế giới - vốn tăng gần 44% trong vòng 2 tháng qua.
Sản lượng đường của EU vụ 2008/09 sẽ giảm do giảm diện tích củ cải, với sản lượng ước tính vào khoảng 13-14 triệu tấn, giảm so với mức 17 triệu tấn của niên vụ trước. Sản lượng đường của Philíppin vụ tới (bắt đầu từ tháng 9) cũng sẽ giảm khoảng 8% so với mức cao nhất trong 24 năm qua trong vụ trước đó, do chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao. Tại Trung Quốc, sản lượng đường dự báo cũng giảm, trong khi nhu cầu trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo đà này, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu nhiều đường hơn nữa trong vòng 5 năm tới.
Tỷ lệ mía dùng cho sản xuất đường ở Brazil - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới – đang giảm sút, nhường nguyên liệu cho sản xuất ethanol. Nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu ethanol sẽ tăng lên, như số lượng ôtô sử dụng nhiên liệu tổng hợp từ ethanol của Braxin tăng. Dự báo nhu cầu sử dụng ethanol của Brazil tăng lên mức 32 tỷ lít vào năm 2015, tăng 77% so với hiện tại. Gía nhiên liệu tăng thúc đẩy Braxin, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, tăng tỷ lệ mía dùng sản xuất ethanol. Các nhà máy ở khu vực Trung Nam Braxin, nơi chiếm phần lớn sản lượng mía của nước này, đã dành 60% sản lượng mía trong 7 tháng đầu năm cho sản xuất ethanol, tăng so với 56% cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đường của khu vực này đã giảm 2,5% trong 7 tháng đầu năm, xuống 10,7 triệu tấn. Thị trường đường thế giới đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Braxin, nhà sản xuất đường thô lớn nhất thế giới.
Dự báo giá đường thô trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục vững đến tăng trong tháng tới. Sau khi ở mức khoảng 15,50 US cent trong những tháng cuối năm 2008, giá đường thô được dự báo sẽ tăng lên mức 16,5 uscent/lb vào năm 2009, và có thể sẽ chạm mức 17 uscent/lb vào năm 2010, do nguồn cung giảm, trong khi nhập khẩu tăng, nhất là từ Trung Quốc.




Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường