Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía đường-Ngổn ngang trước ngày vào vụ
09 | 09 | 2009
Giữa tháng 9 này, hầu hết các nhà máy đường (NMĐ) phía Nam sẽ chính thức vào vụ chế biến 2009 - 2010. Vì vậy, ngày 8-9, tại TPHCM, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (MĐVN) đã họp toàn thể hội viên và đưa ra khuyến cáo giá sàn mua mía tại ruộng của nông dân là 600.000 đồng/tấn, cao hơn niên vụ trước khoảng 100.000 đồng. Với giá này, người trồng mía lời khoảng 20% trở lên. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết vì những hạn chế nội bộ ngành mía đường, nhất là các NMĐ.

Thương lái: “ngư ông” hưởng lợi

Việc tranh chấp vùng nguyên liệu giữa các NMĐ và cạnh tranh thu mua khi giá đường tăng gần như là vấn đề muôn thuở. Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho cả vùng nhưng do chồng lấn nên khi vào vụ, việc cạnh tranh giá để tranh mua mía luôn xảy ra, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Khu vực này khi còn là vùng mía nguyên liệu chung của 9 NMĐ đã nhiều lần diễn ra gay gắt, vài năm nay lại có thêm NMĐ Cồn Long Mỹ Phát ở Hậu Giang nên tình hình càng phức tạp hơn.

Thời gian qua, nhiều NMĐ phản ánh tình trạng vào vụ sớm, không theo sự thống nhất ban đầu từ hiệp hội của nhà máy (NM) này. Xét về góc độ NMĐ, việc sản xuất không thể lỗ như nhiều người suy diễn khi mua mía non, vì giá đường đang ở mức cao và còn sản phẩm sau đường như rỉ mật đường để sản xuất cồn… nhưng ở góc độ chung là gây thiệt cho toàn xã hội.

Nếu ngành thủy sản đau đầu vì vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu kéo dài nhiều năm nay do sự thiếu đoàn kết giữa các NM chế biến và các tỉnh và thương lái là người hưởng lợi từ tình trạng này. Ngành mía đường cũng gặp tình trạng tương tự. Khi thu hoạch mía, về nguyên tắc phải vận chuyển sớm nhất đến NM để đảm bảo chất lượng nhưng khi giá đường tăng cao, với việc cạnh tranh mua mía, thương lái ngâm nước vài ngày (nâng trọng lượng), mía bị “thối” vẫn có NMĐ chấp nhận mua.

Vùng nguyên liệu: Phải có cách làm khác

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường 1, kiêm Giám đốc Công ty MĐ Trà Vinh Trần Đình Trung, nếu tình trạng trên tiếp diễn, các NMĐ ĐBSCL, vùng trọng điểm mía đường cả nước sẽ dần dần tự tiêu diệt lẫn nhau do quy mô NM nhỏ, vùng nguyên liệu chưa rõ ràng, các NMĐ không đoàn kết. Là vùng vào vụ sớm nhất nhưng giống chín sớm lại rất ít nên chữ đường bình quân vùng này thấp nhất cả nước. Vào vụ càng sớm chữ đường càng thấp.

Một đặc điểm khác với các vùng nguyên liệu miền Trung và nhất là miền Bắc, người trồng mía khu vực này không muốn ký hợp đồng cụ thể với NMĐ nào cả, chỉ thích bán cho thương lái mua giá cao. Do chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt của bà con nông dân và các NMĐ nên bài toán nguyên liệu khu vực này cứ xà quần không thấy lối ra.

Dây chuyền chế biến đường ở Công ty Đường Hiệp Hòa. Ảnh: sggp

Ông Trung đề xuất, nên thành lập công ty chuyên cung cấp nguyên liệu mía cho các NM trong vùng, có thể là Công ty CP Phát triển nguyên liệu vùng Tây Nam bộ, nhằm điều phối sản lượng mía nguyên liệu cho 10 NMĐ trong vùng, hạn chế dần vai trò của các thương lái, tiến tới thành lập Tổng Công ty Mía đường miền Tây. NMĐ nào có vùng nguyên liệu thì mở rộng diện tích, tránh tình trạng NMĐ có vùng nguyên liệu nơi khác vẫn vào khu vực này tranh mua.

Các NMĐ đề nghị Hiệp hội MĐVN và Bộ NN-PTNT sớm giải quyết dứt điểm vùng nguyên liệu ĐBSCL và NMĐ phải thật sự đầu tư cho người trồng mía mới giúp vùng nguyên liệu đi vào ổn định, không thể nói tỉnh quy hoạch vùng đó là của NMĐ nhưng thực tế NMĐ không đầu tư mà vẫn cho rằng là vùng nguyên liệu của mình.

Chống đường lậu bằng hàng rào kỹ thuật

Giá đường cao là điều kiện để mở rộng diện tích trồng mía. Trong niên vụ 2008 - 2009, diện tích giảm thì tổng diện tích trồng mía của cả nước khoảng trên 290.000ha, giảm 16.600ha so với niên vụ trước, sản lượng chỉ hơn 900.000 tấn so với 1,15 triệu tấn, trong khi kế hoạch năm 2010 là chế biến 1,4 triệu tấn đường. Nhưng giá tăng mạnh, đường nhập lậu lại tràn vào. Nếu không quản lý tốt sẽ làm giảm giá đường trong nước, người trồng mía lại quay lưng với cây mía.

Để ngăn chặn đường nhập lậu, không thể kêu gọi lòng yêu nước suông, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho rằng, khi hiệu lực của AFTA vào năm 2010 (chỉ còn 5% thuế nhập khẩu đường) và sau đó là WTO, đường trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với đường Thái Lan (dạng quota C), chưa kể cả đường từ Trung Quốc.

Vì vậy, bên cạnh việc có những ưu đãi cho những đơn vị chống đường nhập lậu, Hiệp hội MĐVN cần phối hợp với Bộ NN-PTNT đưa ra những quy định về tiêu chuẩn khi đường được phân phối trên thị trường. Là mặt hàng liên quan mật thiết với an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề nhạy cảm với người tiêu dùng, nên phải có quy định về đóng gói, bao bì, nhãn mác...

Chỉ những sản phẩm đáp ứng những quy định này mới được lưu thông trên thị trường. Khi đã quản lý được điều này cũng có nghĩa là sẽ kiểm soát được lượng đường lậu.



(Theo www.sggp.org.vn)
Báo cáo phân tích thị trường