Theo ước tính của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước mỗi năm cần khoảng 17-18 triệu tấn thức ăn, trong đó sản xuất công nghiệp mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu (khoảng 6 triệu tấn thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và 2,4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi thủy sản), còn lại là do hộ chăn nuôi tự cung tự cấp. Trong số 8,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp sản xuất mỗi năm, các nhà máy chế biến phải nhập khẩu 3,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2009 Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn công nghiệp thành phẩm từ 72 quốc gia trên thế giới với tổng kim ngạch nhẩu khẩu là 1,717 tỷ USD. Trong đó khô dầu đậu tương chiếm tỷ trọng cao nhất là 49%, tương đương 836,86 triệu USD, đứng thứ 2 là ngô với tổng kim ngạch nhập khẩu 238,12 triệu USD tương đương 14%. Nguồn nhập khẩu chính là Ấn Độ, Acgentina, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Brazil, trong đó nhập nhiều nhất từ Ấn Độ (26%) và Achentina (25%).
Nguồn: Tổng Cục Hải Quan
Nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang có 2 tín hiệu trái chiều nhau. Trong khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) liên tục đưa ra các dự báo lạc quan về sản lượng ngũ cốc ở Mỹ và các nước khu vực Nam Mỹ, thì ở Trung Quốc - nước sản ngô lớn thế 2 thế giới - đang có xu thế giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngô của Trung Quốc đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 93.340 tấn, so với 4,91 triệu tấn năm 2007 và 3,07 triệu tấn năm 2006. Nguyên nhân là do nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở thị trường nội địa tăng mạnh và hạn hán kéo dài ở các khu vực trồng ngô trọng điểm của Trung Quốc. Giá đậu tương thế giới nhiều khả năng sẽ giảm xuống trong quý I năm 2010 do sản lượng ở Nam Mỹ được dự báo là sẽ tăng mạnh. Mặc dù vậy yếu tố rủi ro trên thị trường đậu tương đang ở mức cao, bởi bất kỳ diễn biến thời tiết phúc tạp nào xảy ra ở Nam Mỹ cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sản lượng, và sẽ tác động tới giá đậu tương thế giới. Theo Ngân hàng Rabobank tỷ lệ dự trữ - sử dụng ngô ở Mỹ trong niên vụ tới sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ một thập kỷ nay. Giá ngô trung bình tại Sở giao dịch hàng hoá Chicago trong quý I năm tới sẽ ở mức 4 USD/bushel, và sang quý II sẽ ở mức 4,20 USD/bushel.
Nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở trong nước ở thời điểm đầu năm 2010 cũng chưa có dấu hiệu khả quan do thời vụ thu hoạch của nhiều loại ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, cám gạo đã trôi qua. Do đó, thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ không có cơ hội đón nhận một lượng lớn nguồn cung trong nước. Hơn nữa, diện tích canh tác nhiều ngũ cốc như ngô, sắn, khoai lang... tại các địa phương khu vực phía Tây Bắc và Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng bị thu hẹp trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đô thị hóa tăng nhanh và dịch bệnh phát triển.
Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn do tỷ giá USD/VND vẫn còn ở mức cao và khả năng huy động ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại chỉ đáp ứng được ở mức 30-50%. Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi kể từ 1/1/2010 sẽ chịu mức thuế tăng, nhất là các nguyên liệu nhập khẩu chính như khô dầu đậu tương, bột cá, ngô v.v.. và thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là các nước ngoài khối ASEAN.
Như vậy, nguồn cung nguyên liệu thức ăn trên thế giới chưa mấy khả quan cùng với quyết định tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu và những khó khăn trong việc huy động ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu là những yếu tố chính gây sức ép tiêu cực đến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở thời điểm đầu năm 2010.