Tại đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tình trạng người nông dân bắt đầu tích tụ nhiều ruộng đất để sản xuất lớn. Điều này có được đề cập đến trong đề án hay không?Đây là một trong những câu chuyện quan trọng đang thảo luận. Chủ trương chung là phải tạo điều kiện để nông dân sản xuất lớn. Nhưng có nhiều người đặt vấn đề, mối quan hệ giữa việc tích tụ ruộng đất này với việc lao động dư thừa phải ra khỏi ngành nông nghiệp như thế nào. Những người giao đất lại sẽ đi ra ngoài làm như thế nào, thu nhập ra sao, người nghèo sẽ làm sao...Đây là những câu chuyện mà (Nhà nước) sẽ phải cân nhắc kỹ giữa người sản xuất lớn và sản xuất nhỏ. Mối tương quan đó phải đảm bảo cân bằng, không thể thiên về một phía được. Chúng ta không thể tăng trưởng sản xuất, chạy theo cơ chế thị trường, mà bỏ mặc người nông dân nghèo không có đất đai, không có nguồn sống.
Nhưng kinh nghiệm thực tế trong nước và quốc tế cho thấy, nếu không tích tụ ruộng đất lớn, thì sẽ không thể hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được?Đúng vậy. Nhưng bài toán đặt ra là phải cân bằng giữa vấn đề kinh tế và xã hội. Nếu nó cho phép đi đến đâu, thì chúng ta đi đến đấy.Trong lịch sử đã có thời gian ruộng đất bị xáo trộn, bị phân chia. Nếu người nông dân lo lắng việc xáo trộn này có thể sẽ lặp lại trong tương lai, thì họ sẽ không tích tụ ruộng đất nữa...Đề án này đề cập đến điểm quan trọng là phải làm rõ sự ổn định lâu dài của đất đai. Điều này phải được tính lại khi chúng ta điều chỉnh lại luật đất đai. Phải có sự khẳng định cho mọi người yên tâm về thời hạn sử dụng đất, về những trường hợp nào lấy đi và cách thức bồi thường cho họ khi Nhà nước yêu cầu lấy đi.Tuy nhiên, tôi không tin rằng sẽ có xáo trộn chia lại đất đai. Đây không phải là mong muốn của nông dân, và không phải ý định của Nhà nước. Tinh thần chung là làm thế nào tạo sự ổn định về tâm lý để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài trên mảnh đất của mình.
Nhưng liệu có lo lắng rằng việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp sẽ làm phát sinh một thế hệ “địa chủ” mới?Câu chuyện có vẻ khác. “Địa chủ” nghĩa là có chế độ tá điền, tức là họ có đất nhưng không làm trực tiếp mà thuê người khác làm. Cơ cấu này không liên quan trực tiếp đến câu chuyện quy mô ruộng đất. Nhưng cũng có thực tế là hiện nay có rất nhiều người sống ở khu vực đô thị mua trang trại nhưng họ cũng không trực tiếp sản xuất. Tại đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều hộ làm đến hàng chục hecta bằng sức lao động của họ.Đang có hai câu chuyện khác nhau là chính sách tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất; và chính sách đảm bảo chế độ trực canh, tức là ai có đất thì người đó quản lý và sản xuất toàn bộ đất đai của mình và dùng chính lao động của mình trên mảnh đất đó. Hai chính sách này khác nhau, nhưng liên quan rất chặt chẽ với nhau, phải áp dụng song song. Nhà nước không thể tính đến mình chính sách tập trung hoá đất đai, mà cũng phải tính đến chính sách trực canh để đảm bảo đất đai được sử dụng với hiệu quả cao nhất. Chỉ có mảnh đất trực canh do một gia đình quản lý và gia đình đó huy động sức lao động của mình, hay áp dụng cơ giới hoá thì hiệu quả mới là cao nhất. Còn đa số những trường hợp thuê đất thì không những gây mâu thuẫn xã hội, mà còn có hiệu quả rất thấp.
Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn
Xem thông tin gốc tại đây:
http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?newsid=35941&fld=HTMG/2008/0617/35941