Nông dân không đi xin mà chỉ đòi được đầu tư công bằng, xứng với công của họ.
Là một trong những chuyên gia được mời góp ý trực tiếp cho đề án “tam nông”, khi tiếp chuyện chúng tôi, sau một phút trầm ngâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã trút bầu tâm sự một cách say sưa.
Ông nói: “Khoán 10” đã giải quyết được vấn đề hết sức quan trọng là giao khoán ruộng đất, tạo động lực cho nông dân sản xuất, hưởng lợi trên mảnh đất của mình. Nhưng giờ đây, khi tiến bước vào công nghiệp hóa thì mức thu nhập từ công nghiệp, dịch vụ khá cao, thu nhập ở thành phố cao gấp hai, ba lần so với nông thôn, chênh lệch giữa nhóm nghèo và nhóm giàu gấp tám, chín lần. Đây là vấn đề đang tạo ra bức xúc của nông dân, là lực lượng lớn trong xã hội chúng ta.
Đất đai: Phải “nói” bằng luật
Theo ông Lê Huy Ngọ, nói đến “tam nông” nhưng thực chất mọi vấn đề của đề án này đều xoay quanh nông dân. Nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng chỉ vì mục đích tạo thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân; đầu tư cho nông thôn, xây dựng nông thôn mới cũng là để tạo ra điều kiện, không gian sống tốt hơn cho nông dân. Cho nên, nông dân phải là trung tâm (vừa là mục tiêu, đối tượng, chủ thể) của đề án này.
. Đề án “tam nông” dự kiến sẽ tạo ra bước đột phá trong chính sách đất đai, theo ông thì hiện nay có những bức xúc nào cần phải tháo gỡ?
+ Theo tôi, có mấy vấn đề lớn sau đây:
Thứ nhất, lần này không nên nói đạo lý bằng miệng mà phải tuyên bố bằng văn bản pháp quy của nhà nước làm cơ sở cho dân tin. Nói là giao đất ổn định, lâu dài thì phải nói rõ là bao nhiêu năm như trong công nghiệp, người ta thuê 50 năm, 90 năm. Dân đang lo đến năm 2013 có chia lại đất hay không. Một số nơi đã xảy ra tình trạng lợi dụng chuyện này để thu hồi đất, mua đất của dân với giá rẻ. Nhiều trang trại lớn không dám mạnh dạn đầu tư bởi vì sợ đến khi đó bị thu hồi thì làm thế nào. Nhiều người có ý tưởng canh tác lớn vì điều này cũng chần chừ trong việc thuê đất, gom đất.
Thứ hai, vì sao có tình trạng một bộ phận cư dân làm ruộng không đầu tư, rồi cho thuê rẻ, thậm chí là bỏ hoang? Điều này xuất phát từ bình quân ruộng đất của ta thấp quá, nhất là đồng bằng sông Hồng, ở Thái Bình chỉ có hơn 360 m2/người thôi, đã thế có hộ phải làm tới bảy, tám mảnh ruộng. Đất đã ít rồi lại manh mún, phân tán, lao động thủ công cực nhọc nên thu nhập trên mảnh đất đó rất thấp. Từ thực tế này, chỉ có tích tụ ruộng đất thì mới đảm bảo cho thu nhập của nông dân.
Thứ ba, phải có chính sách nhất quán về thu hồi đất đai. Cứ nói đất là quốc gia công thổ nhưng đã giao cho dân quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền chuyển nhượng... thực ra nó cũng gần như quyền sở hữu. Đã đến lúc chúng ta luật hóa nghiêm túc cơ chế quản lý giá đất, theo nguyên tắc thu hồi, chuyển nhượng đất đai nhất định phải theo cơ chế thị trường.
Giải bài toán tích tụ ruộng đất
. Ông nói chỉ có tích tụ ruộng đất mới đảm bảo thu nhập cho nông dân nhưng nó cũng sẽ dẫn đến nguy cơ phân hóa giàu nghèo, bần cùng hóa một bộ phận nông dân. Có vẻ như đây là một nghịch lý?
+ Đây là một vấn đề rất lớn và không đơn giản. Đất nước có 70%-80% dân cư là nông dân, lực lượng lao động chính 60% cũng là nông dân. Nên muốn sống được thì phải có đất đai. Trong khi ai cũng biết muốn sản xuất có hiệu quả thì phải tích tụ đất đai, mở rộng diện tích. Tôi cho rằng ở đồng bằng sông Hồng phải 3-4 ha, đồng bằng sông Cửu Long là 4-5 ha trở lên thì mới có thể sản xuất hàng hóa được. Tôi được biết có những nơi như ở An Giang người ta vừa thuê, vừa mua mà tích tụ lên tới 300-400 ha. Như vậy, nếu một người tích tụ ruộng đất lớn như thế thì hàng ngàn người khác sẽ không còn ruộng.
. Theo ông, chúng ta sẽ phải giải bài toán khó này như thế nào?
+ Tôi cho rằng quá trình tích tụ ruộng đất phải diễn ra đồng thời với quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp. Trước hết phải tạo ra bước đột phá mới trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề ngay tại nông thôn. Muốn tạo ra thu nhập mới, cuộc sống mới thì phải tạo ra công ăn việc làm mới ở nông thôn. Phát triển làng nghề, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và đưa công nghiệp về nông thôn. Phải thu hút được 60% lao động ở nông thôn hiện nay sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thì mới có thể mở đường cho tích tụ ruộng đất.
Như vậy, bài toán tích tụ ruộng đất chỉ được giải khi thực sự có bước đột phá mới về kinh tế nông thôn, chuyển từ tình trạng thuần nông sang các ngành nghề kinh tế khác. Nghĩa là xây dựng một nông thôn mới về cơ cấu kinh tế, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đào tạo giai cấp nông dân mới có tay nghề. Tôi cho rằng đây là vấn đề then chốt nhất của “tam nông”.
Đầu tư không nên nhìn vào cơ cấu GDP
. Đầu tư quá ít cho nông thôn là nguyên nhân khiến khu vực này chậm tiến. Ông bình luận gì về thực trạng này?
+ Nông nghiệp có đặc điểm là sản xuất lợi nhuận thấp, tăng trưởng chậm, thời gian kinh doanh dài và đặc biệt là rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Người nước ngoài không muốn đầu tư vào nông nghiệp, toàn bộ FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1%-1,4%. Ở nhiều nước, kể cả các nước phát triển, người ta chú trọng đầu tư cho nông nghiệp là để giữ an ninh lương thực cho phần đông dân số. Không thể cứ nhìn vào vị trí khiêm tốn của nông nghiệp trong cơ cấu GDP, cơ cấu xuất khẩu, mức thu ngân sách mà xem nhẹ. Chúng ta nên hỏi rằng ai đảm bảo an ninh lương thực? Ai đảm bảo an ninh môi trường rừng? Ai đảm bảo ổn định chính trị? Nếu nông dân không ổn định thì sao đất nước ổn định được?
Đấy, người dân giữ 1 ha rừng mỗi năm được 100 ngàn đồng, bằng một ngày công làm thuê ở thành phố. Sao mà “bèo” quá vậy? Đấy là sự thiệt thòi. Tôi xin nhấn mạnh rằng an ninh lương thực và an ninh môi trường là hai cái chốt để đảm bảo phát triển bền vững. Nông dân không đi xin mà chỉ đòi hỏi được đầu tư công bằng, xứng đáng với trách nhiệm và công lao họ bỏ ra.
. Theo ông, đầu tư vào lĩnh vực nào là quan trọng nhất để tạo ra động lực phát triển?
+ Đường sá là số một. Điện là số hai. Nhưng không phải là điện để thắp sáng đơn thuần. Làm sao điện, đường phải đảm bảo cho công nghiệp ở nông thôn phát triển. Tôi lên vùng vải ở Bắc Giang, vùng quy hoạch sản xuất lớn như thế mà đến mùa thu hoạch thì xe ôtô đậu tắc nghẽn mấy cây số không thể vào được. Đấy là bài học nhãn tiền: chỉ lo sản xuất mà không lo cơ sở hạ tầng, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Doanh nghiệp họ nói đường sá như thế, điện thì cắt liên tục, sao cứ kêu gọi chúng tôi về đầu tư. Nhà nước đưa điện, nước, làm đường đến chân tường rào các khu công nghiệp thì cũng phải đầu tư công bằng cho nông dân chứ.
Nhà nước cũng phải có chính sách đầu tư đào tạo nghề cho nông dân, hướng dẫn họ tìm kiếm thị trường... Đầu tư hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị, giảm nhiêu khê trong thủ tục cho nông dân vay vốn. Đầu tư đủ độ thì tình hình sẽ chuyển biến lên thôi.
. Xin cảm ơn ông!