Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ có Nghị định về tích tụ ruộng đất
27 | 02 | 2009
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa giao cho Cục Kinh tế hợp tác và PTNT xây dựng Nghị định về tích tụ ruộng đất. Dự kiến, cuối năm 2009, Nghị định rất quan trọng, mang tính đột phá này sẽ chính thức ra đời…
Tại hội nghị lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học được tổ chức ngày 25/2, các đại biểu đều khẳng định Nghị định tích tụ đất đai ra đời là mong mỏi của nông dân cả nước và sẽ là sự “đột phá” trong SXNN.

Theo dự thảo, Nghị định được đưa ra thảo luận thì có 5 hình thức tích tụ ruộng đất, gồm: Dồn điền đổi thửa, tập trung ruộng đất lại; chuyển nhượng, thừa kế ruộng đất; thuê đất để tích tụ; góp vốn cổ phần bằng đất để SXNN và tích tụ theo thị trường đất nông nghiệp. Nhà nước chỉ cho phép tích tụ ruộng đất nhằm mục đích SXNN, gồm: Tích tụ đối với đất để trồng cây trồng hàng năm; tích tụ để phát triển chăn nuôi tập trung; tích tụ đất lâm nghiệp để làm lâm nghiệp; tích tụ đất để làm nghề muối; tích tụ đất để nuôi trồng thuỷ sản; tích tụ đất để phát triển cây lâu năm và tích tụ đất để phát triển trang trại tổng hợp.

Dự thảo Nghị định tích tụ ruộng đất của Chính phủ cũng nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể của những người nhượng đất cho người khác tích tụ và những người tích tụ để SXNN. Theo đó, đối với những chủ thể tích tụ ruộng đất vào mục đích này sẽ được Nhà nước bảo vệ cấm xâm hại; được đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT, phòng trừ dịch bệnh, được cung cấp thông tin thị trường…Đồng thời sẽ được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất trên diện tích tích tụ. Ngược lại, người tích tụ cũng sẽ bị ràng buộc phải thực hiện đúng mục đích sau khi tích tụ, sản xuất đúng loại cây trồng vật nuôi theo quy hoạch, nếu sử dụng kém hiệu quả hoặc vào mục đích khác sẽ bị thu hồi.

Nghị định này chỉ khuyến khích tích tụ đất đai SXNN, mục đích lớn nhất, thông suốt là thúc đẩy SXNN, để người dân có thể sống, làm giàu bằng được từ nông nghiệp, hướng đến việc sử dụng đất đai hiệu quả, chuyển dịch lao động ở nông thôn hợp lý, vì vậy nếu cứ theo quan điểm “người cày có ruộng” thì “hỏng” mất. Tuy nhiên, tích tụ kiểu gì thì tích tụ không được bần cùng hoá nông dân, nếu làm ào ào thì hàng vạn nông dân sẽ ra đứng đường. (Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lã Văn Lý)

Nội dung của Nghị định cần hướng tới: Công nhận quyền sử dụng đất; hoàn thành giao đất, cấp GCNSDĐ; thực hiện quyền sử dụng đất như cho thuê, nhượng, tặng, thừa kế… (TS. Nguyễn Đình Bồng, Hội Khoa học Đất VN)

Đối với nông dân có đất, không sản xuất có thể toàn quyền quyết định cho thuê, chuyển nhượng đất đó cho người khác. Việc chuyển nhượng, cho thuê hoàn toàn thực hiện theo cơ chế thị trường và sự thoả thuận của hai bên bằng hợp đồng dân sự có sự xác nhận thống nhất của cấp chính quyền địa phương. Người nhượng hoặc có đất cho thuê sẽ được hỗ trợ học nghề chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm mới…

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, về cơ bản, dự thảo Nghị định tích tụ đất đai đã thể hiện rất rõ chủ trương của Nhà nước ta là cho phép tích tụ ruộng đất và điều này là phù hợp lòng dân và quy luật phát triển, chắc chắn sau khi Nghị định ra đời, năng suất và chất lượng trong SXNN sẽ tăng cao. Nghị định cũng đã thể hiện rất rõ quan điểm là tích tụ chỉ phục vụ SXNN. Tuy nhiên, đại diện tỉnh Thái Bình lại cho rằng, ngoài Nghị định về tích tụ đất đai, cần thiết có thêm một thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Tích tụ đất đai liên quan đến rất nhiều vấn đề khác, vì thế nếu không có thông tư hướng dẫn thì cấp chính phương địa phương sẽ rất khó thực hiện, thành ra chỉ “hô” mà không làm được.

Một số đại biểu khác cho rằng, nếu đã khuyến khích tích tụ thì Nhà nước cần miễn thuế chuyển nhượng đất, thuế thu nhập…cho người tích tụ. Và việc quan trọng hơn là Luận Đất đai phải được sửa theo tinh thần của Nghị quyết TƯ7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn là “giao đất cho nông dân ổn định lâu dài”. Vì thế, một số quy định của luật đất đai, đặc biệt là quy định về về hạn điền, thời hạn sử dụng đất hiện nay cần phải được thay đổi. “Tôi cho rằng, nên giao đất cho dân vô thời hạn và hạn điền tăng gấp đôi hiện nay”- đại biểu đại diện tỉnh Bắc Giang nói.

Cuộc đại "mổ xẻ" chính sách đất đai bắt đầu

Viện Chính sách Chiến lược PTNN-NT kết hợp với Trường Đại học Harvard (Mỹ) sẽ thực hiện dự án Phân tích chính sách nhằm xây dựng chính sách đất đai phục vụ cho phát triển. Đây được coi là “phát đại bác đầu tiên" trong cuộc điều chỉnh chính sách đất đai.

Dự án do Viện Chính sách Chiến lược PTNN-NT và Trường Hành chính công John F.Kennedy, Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ tổng số tiền là trên 11 triệu USD. Thời gian triển khai 2009 – 2010. Mục tiêu dự án: Đánh giá toàn diện tác động KT- XH của chính sách đất đai đối với phát triển nông thôn và đề xuất các chính sách mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở nông thôn.



Vũ Minh Việt - Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường