Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị đối với sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc các chất ngọt khác thuộc nhóm mã HS 04.01, tăng từ 5% mức thuế suất nhập khẩu hiện hành lên 15%.
Đối với mặt hàng sữa và kem, cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác, thuộc nhóm mã HS 0402.91.00.00, đề nghị tăng từ mức thuế hiện hành 3% lên 10%. Đối với loại sữa tươi khác thuộc mã HS 0402.99.00.00, đề nghị tăng từ 7% hiện nay lên mức 20%. Bộ Công Thương cho rằng phương án thuế như trên sẽ vừa khuyến khích sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho người nông dân chăn nuôi bò sữa, vừa đảm bảo ổn định giá cả và quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tờ trình số 175 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng chính phủ ngày 22/1 đã đề nghị tăng mức thuế suất nhập khẩu các mặt hàng sữa trên lên 18%, 15% và 28%, bằng mức thuế theo cam kết WTO năm 2009 và năm 2010. Các mức thuế này cao hơn 3%, 5% và 8% so với phương án của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng đồng ý kiến của Bộ NN&PTNT về việc Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi bò sữa trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Khi giá thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp sử dụng sữa nguyên liệu nhập khẩu có lợi hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước do có giá thành cao, chất lượng hạn chế, tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của thông tin về hàm lượng melamine.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, lưu ý cần xem xét thêm các tác động tới cung cầu mặt hàng sữa. Hiện nay, nguyên liệu sữa trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu sử dụng, chủ yếu là sữa tươi hoặc để chế biến sữa tươi tiệt trùng, sữa chua, chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm sản xuất sữa bột, bánh kẹo và cũng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng sữa của các đối tượng đặc bịêt như trẻ em, người cao tuổi, người bệnh...
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp sản xuất sữa được trích từ 2-5% giá trị nguyên liệu nhập khẩu vào chi phí sản xuất để hình thành quỹ hỗ trợ cho việc phát triển đàn bò sữa.