Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa ngoại sẽ tăng nữa?
03 | 04 | 2008
Các nhà kinh doanh sữa bột ngoại nhập dự báo sẽ có đợt tăng giá mới trong quý 2/2008 với mức tăng khoảng 5 – 7%. Nghịch lý việc tăng giá sữa là giá nguyên liệu sữa trên thế giới đã giảm khá nhiều so với cao điểm (tháng 8 – 9.2007), mà trẻ em Việt Nam lại phải uống sữa với giá “cắt cổ”.
Lý lẽ nào?
Nguyên nhân khá quen thuộc, vẫn được các hãng đưa ra cho việc phải tăng giá lần này là do giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng... nên buộc phải tăng giá bán...
Lý lẽ trên không thuyết phục. Bởi lẽ vào lúc cao điểm giá sữa lên đến trên 5.000 USD/tấn (từ giữa đến cuối quý 3/2007), các bậc phụ huynh đã phải cam chịu mua sữa giá cao để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Khi giá sữa giảm từ các tháng cuối 2007 đến nay, các nhãn cũng không hề có động thái giảm giá, mà còn lại tiếp tục tăng giá nữa.

Hiện nay, giá sữa trên thị trường thế giới ở vào khoảng 4.100 – 4.500 USD/tấn. Với các công ty lớn, mua hàng khối lượng lớn cho quy mô toàn cầu thì giá có thể còn thấp hơn nữa. Một thuận lợi khác cho sữa nhập khẩu, là chính phủ đã giảm thuế từ 30% xuống còn 7%, nên giá sữa không thể cao hơn quý 3/2007.
Trong nguyên liệu đầu vào, chi phí bao bì (lon thiếc hoặc giấy) tăng đáng kể, nhưng theo mức giá của nhà sản xuất sữa có số lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay, thì giá một vỏ lon sữa bột + nắp nhựa vẫn chỉ ở mức khoảng 6.000 đồng/lon, tăng khoảng 1.000 đồng/lon so với trước.
Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty Hanco đã phân tích: chi phí xăng dầu tăng đối với một chuyến xe tải chở hàng chỉ khoảng 10%, tức mỗi thùng sữa 24 lon chỉ tăng lên khoảng 2.000 đồng. Với mức lợi nhuận bình quân là 30%, sữa “hiệu”, sữa “cao cấp” lên đến trên 60%, thì nhà sản xuất hoàn toàn có thể chia sẻ việc tăng giá vận chuyển, tăng giá bao bì này với người tiêu dùng. Thậm chí, nếu tính sòng phẳng, áp lực chi phí này chỉ tác động rất nhỏ, không lên đến mức giá một lon sữa phải đội thêm từ 8.000 – trên 20.000 đồng.
Đáng chú ý là việc tăng giá sữa này chỉ có ở các nhãn sữa ngoại nhập. Còn sữa do các công ty Việt Nam sản xuất đều không có tình trạng này. Nếu chi phí sản xuất tăng lên, thì lẽ ra các nhà sản xuất trong nước – có quy mô khá nhỏ so với các đại gia nước ngoài, sẽ phải chịu gánh nặng trước tiên và phải điều chỉnh giá ngay lập tức.
Ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc công ty Vinamilk đánh giá: áp lực tăng giá sữa với tất cả các nhà sản xuất là có. Nhưng phần đáng kể nhất không phải là nguyên liệu đầu vào, mà là bài toán tăng nguồn thu để tăng thu nhập giữ nguồn nhân lực trong bối cảnh áp lực giá đè nặng lên vai mọi người; là khoản đầu tư cho hệ thống phân phối và các hoạt động tiếp thị để phát triển thị trường…
Đi liền với đợt tăng giá bán, các hãng sữa ngoại đã giảm dần hoặc rút hẳn ra khỏi thị trường dòng sản phẩm sữa giá mềm, chỉ phát triển cho dòng sản phẩm sữa cao cấp. Chủ cửa hàng sữa Mi Mi trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết: khi Mead Jonhson tăng giá, nhiều khách đến tìm mua loại Enfa nắp trắng, vì loại này giá thường rẻ hơn loại nắp vàng có A+, nhưng không có hàng để bán. Đại lý đặt hàng cũng không có.
Tăng trưởng của thị trường sữa Việt Nam luôn trên 30% ở các năm qua, nhóm sản phẩm sữa cao cấp có mức tăng nhiều hơn nhóm sản phẩm sữa bình dân khoảng 10%... lợi nhuận thu về hấp dẫn hơn hẳn.
Thực tế đang cho thấy, việc tăng giá sữa của các hãng là nhắm vào tâm lý “sữa đắt tiền là sữa tốt” và các bậc phụ huynh Việt Nam sẵn sàng đầu tư tất cả cho con mình. Sự thể hiện “cao cấp” của sữa ngoại đã vượt hẳn các phương pháp chiêu thị của sữa Việt Nam, sữa ngoại cho bé cả tương lai tươi sáng với sự phát triển toàn diện về thể chất – tâm lý – tình cảm và cả các kỹ năng giao tiếp xã hội cho suốt cuộc đời về sau.
Có ý kiến cho rằng các chương trình hỗ trợ cộng đồng mang nặng yếu tố tiếp thị… với sự có mặt của các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ở Việt Nam và thế giới đã góp phần đẩy các thương hiệu sữa ngoại lên ngôi. Và cũng đẩy giá sữa ngoại lên đỉnh.
Một chuyên gia người Việt Nam đang làm việc cho tập đoàn sữa nổi tiếng của châu Âu cho biết: tình hình kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, nên để thực hiện được cam kết với công ty mẹ ở nước ngoài về các chỉ tiêu tăng trưởng, lợi nhuận… tăng giá bán cũng là cách để tăng nguồn thu, từ đó tăng được các chi phí cho mọi hoạt động khác.
Năm ngoái, để ngăn chặn tình trạng tăng giá sữa quá cao, chính phủ đã ban hành quyết định giảm thuế. Nay giá sữa vẫn tăng mà lượng nhập vẫn không ngừng tăng lên vì nhu cầu tiêu thụ của người dân với sản phẩm này luôn rất cao.

Ba tháng đầu năm 2008 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1 tỉ USD sữa bột và sản phẩm này đang nằm trong nhóm hàng tiêu dùng tăng phi mã. Nhà nước đã giảm thu thuế, mà người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang trả chi phí cao cho từng lon sữa.



Báo cáo phân tích thị trường