Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa... chờ giờ G
23 | 12 | 2011
So với thời điểm đầu năm 2011, hiện, giá nhiều loại sữa ngoại trên thị trường đã tăng đáng kể. Riêng các công ty sữa nội vẫn cố gắng kìm giá để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cam kết giữ giá này chỉ có thể cố được đến hết năm 2011. Như vậy, thời điểm giá sữa "bùng nổ' đã cận kề?

"Trên đe dưới búa"

Từ đầu năm 2011, các thương hiệu sữa nội chịu thêm sức cạnh tranh gay gắt chưa từng có vì bên cạnh các hãng sữa ngoại quen thuộc như Abbott, Dumex…, thị trường còn xuất hiện nhiều nhãn sữa mới nhập từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Các nhãn hàng mới đều "chịu chi" mức chiết khấu cao, trưng bày đẹp và có chính sách khuyến mãi khá hấp dẫn.

Mấy tháng gần đây, do sức mua giảm, doanh số cũng giảm theo nên để duy trì lợi nhuận, nhiều hãng sữa buộc phải tăng giá. Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã đồng loạt tăng giá các loại sữa bột Dutchlady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum từ 5.400 - 8.100 đồng/hộp. Hãng sữa Dumex cũng tăng 10 - 13% với Dumex Mama 800g lên 264.000 đồng/hộp, Dumex Dulac 800g lên 375.000 đồng/hộp. Hãng sữa XO của Hàn Quốc tăng 15.000 - 30.000 đồng, tùy hộp. Riêng hãng Abbott cũng đã có thông báo tăng giá đến các đại lý và đang chờ ngày chính thức áp dụng giá mới.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ một đại lý sữa trên đường Chiến Thắng (quận Hà Đông - Hà Nội) cho biết: "Nhiều loại sữa ngoại tăng giá khá mạnh nhưng người tiêu dùng chỉ phàn nàn chứ vẫn mua. Họ có thể cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác chứ không nỡ đổi sang sữa nội vì quan niệm sữa ngoại tốt hơn, con uống quen mùi vị…".

Thói quen tiêu dùng của nhiều "thượng đế" đã khiến các doanh nghiệp sữa nội khó cạnh tranh lại thêm tình hình kinh tế năm 2011 tiếp tục khó khăn, khiến doanh nghiệp sản xuất không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hoặc các tổ chức nước ngoài. Các món vay hiện nay chủ yếu là vay ngắn hạn có thế chấp, doanh nghiệp không thể vay trung và dài hạn để đầu tư trang thiết bị hoặc thay đổi công nghệ sản xuất. Cũng vì thiếu vốn để phát triển thương hiệu nên doanh nghiệp Việt Nam bị yếu thế trên sân nhà và hầu như đã nhường toàn bộ thị trường sữa ở thành thị cho các sản phẩm nhập khẩu.

Giữ được đến khi nào?

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, bản thân doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với mong muốn chia sẻ một phần với người tiêu dùng trong nước, nhiều thương hiệu sữa nội đã tham gia bình ổn giá và cam kết không tăng giá bán một số sản phẩm. Trong đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) cam kết không tăng giá bán nhóm sữa bột dinh dưỡng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và nhóm sữa bột bổ sung canxi cho người cao tuổi. Công ty cổ phần Thực phẩm HanCo (Hancofood) cũng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng cách không tăng giá các sản phẩm Dollac Pro, Dollac IQ đến hết năm 2011.

Tuy nhiên, cam kết bình ổn giá từ các hãng sữa nội có khả năng chỉ duy trì được hết năm 2011 khi các yếu tố cần thiết cho việc bình ổn giá ngày càng lung lay. Theo ông Phạm Ngọc Châu, Giám đốc Hancofood, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đều gặp khó khăn do nguồn vốn không dồi dào như các "ngoại binh" nên phải chịu yếu thế trên sân nhà về mặt tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Việc các hãng sữa nội còn kìm được giá đến hết năm 2011 đã là cố gắng hết sức. Nếu sức mua không tăng và người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sính ngoại thì sớm hay muộn, sữa nội cũng sẽ tăng giá, nhất là vào dịp Tết.

Thực tế này cho thấy, thị trường sữa Việt Nam đang tồn tại những xu hướng đối lập: sữa ngoại tăng giá không cần chọn thời điểm, không cần lý do và mức tăng vô tội vạ; trong khi sữa nội phải chật vật giữ giá để bảo vệ người tiêu dùng. "Tủi thân" ở chỗ, bên hết lòng vì "thượng đế" lại không được ưu ái lựa chọn, còn bên liên tục tăng giá thì vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Với tiềm lực mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngoại có thể gây ra rất nhiều sóng gió nữa.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp sữa nội lại cần đến chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như lúc này, vấn đề chỉ còn nằm ở cái Tâm và nhận thức của "thượng đế"!



Theo www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường