Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế sẽ còn khó khăn đến 2010
24 | 09 | 2008
Xu hướng lạm phát thông qua diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang giảm mạnh đã mang lại những tín hiệu lạc quan trong điều hành kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ những lo ngại về đình trệ kinh tế sau lạm phát đã dần hiện rõ. Các chuyên gia cảnh báo, một thời kỳ khó khăn kéo dài sau giai đoạn lạm phát tăng cao là một quy luật khó tránh khỏi.
Trao đổi về diễn biến tình hình lạm phát mới đây và dự báo cho thời gian tới, PGS. TS Ngô Trí Long - Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) nói rằng, CPI trong tháng 9/2008 chỉ tăng 0,18% có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi lẽ trước đó, mức dự đoán của nhiều chuyên gia là dưới 1% nhưng thực tế chỉ tăng bằng 1/5. Diễn biến giá cả trong tháng 9/2008 là tổng hợp của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Trước hết, quý 3 bao giờ cung là thời kỳ giá cả có xu hướng chững lại. Bên cạnh đó, những những yếu tố thuận lợi từ giá cả trong nước và quốc tế cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đã mang lại kết quả khả quan trên.
Phó giáo sư Ngô Trí Long.


- Ông có thể phân tích cụ thể hơn những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong 9/2008?

- Trước hết, phải nói đến giá lương thực, thực phẩm đã không tăng, thậm chí giảm trong thời gian qua. Đây là nhóm hàng hóa có quyền số lớn trên 40% trong rổ hàng hóa. Nên khi giá trong nước và giá xuất khẩu của lúa gạo đều giảm đã tác động mạnh đến chỉ số giá nói chung.

Bên cạnh đó, diễn biến thị trường cho thấy, giá cả các mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng... vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua nay đều giảm mạnh. Đây là xu hướng chung của toàn thị trường sau một thời gian dài tăng mạnh. Chỉ có nhóm văn hóa giáo dục tăng nhưng chủ yếu là do thời điểm đầu năm học mới.

Các nguyên nhân gián tiếp có thể kể đến các các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ và nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng. Do thắt chặt tiền tệ khiến cho các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, tăng trưởng chậm lại khiến cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư không tăng và thậm chí giảm làm cho giá cả cũng giảm theo.

- Một trong trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tăng chậm lại trong những tháng gần đây là giá dầu thế giới đã giảm. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đang có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này liệu có khiến giá cả lại tăng lên trong những tháng tới, thưa ông?

- Chúng ta biết, yếu tố cung cầu hiện không có vấn đề gì lớn chủ yếu là tác động vào diễn biến kinh tế, chính trị thế giới. Hiện kinh tế Mỹ đang chao đảo mạnh, nhiều tập đoàn lớn có nguy cơ phá sản. Để cứu thị trường tài chính, Chính phủ Mỹ đã chi ra rất nhiều tiền và đang có kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD nữa. Điều này khiến cho đồng USD yếu đi. Giá dầu phụ thuộc vào giá USD, khi đồng USD yếu đi thì giá dầu tăng cao. Trong 1 - 2 ngày gần giá dầu đã tăng đến 16%.

Khi Chính phủ thả nổi giá xăng dầu, giá trong nước và thế giới sẽ có diễn biến tương ứng nhau, cùng tăng và giảm. Tuy nhiên, chúng ta nhớ giá dầu thế giới đã có lúc lên đến 147 USD/thùng. Trong nước đã điều chỉnh giá tăng 31% lên đến 19 ngàn đồng/lít. Rõ ràng, người tiêu dùng trong nước cũng đã quen với diễn biến tăng giá xăng dầu theo mặt bằng thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định thì giá dầu thế giới khó có khả năng tăng mạnh được nữa. Hiện nay kinh tế Mỹ và Châu Âu đang khó khăn, nhu cầu tiêu thụ chắc chăn giảm nên giá dầu nhiều khả năng sẽ ổn định hơn. Ở trong nước nếu giá có tăng, tôi nghĩ không có nhiều biến động lớn vì DN và người tiêu dùng đã quen với mặt bằng giá cao và có nhiều biện pháp để ứng phó.

Sự khó khăn của nhiều DN và khủng hoảng của kinh tế Mỹ có khả năng làm giảm kim ngạch xuất khẩu. Ảnh: VNN
- Với diễn biến hiện nay, ông có dự báo xu hướng lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ như thế nào?

- Theo quy luật, quý 1 và quý 4 hàng năm giá cả sẽ tăng cao hơn. Năm 2008 là năm khó khăn, nền kinh tế đối mặt với nhiều nguy cơ suy thoái và khủng hoảng. Chúng đã đã đi qua được 3/4 quãng đường của năm 2008. Thời kỳ khó khăn đỉnh điểm nhất đã qua, đã có những tín hiệu khả quan đầu tiên. Tuy nhiên, điều này không cho phép chúng ta chủ quan.

TIN LIÊN QUAN
Chính phủ vẫn tiếp tục chính sách ưu tiên kiềm chế lạm phát, chấp nhận giảm tăng trưởng. Lạm phát bước đầu đã kiềm chế và giảm dần tốc độ nhưng về lâu dài những chính sách này cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trên nhiều mặt. Kinh tế có thể bị tăng trưởng chậm lại, khó khăn về vấn đề việc làm, các vấn đề xã hội nổi lên...

Trước đây, Chính phủ dự báo trước đây là tăng khoảng 25% nhưng 9 tháng đã tăng trên 21%. Với diễn biến như tháng 9/2008 thì ba tháng còn lại có thể không tháng nào vượt quá 1%. Như vậy, cả năm không thể tăng quá 25%.

- Lạm phát đã có chiều hướng chững lại, đã có ý kiến đề xuất nên nới lỏng chính sách tiền tệ mà cụ thể là giảm lãi suất cơ bản. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Do lạm phát tăng cao, Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, DN vay vốn khó khăn. Hiện nay chưa có công bố chính thức nào nhưng ít nhất cũng có 1/3 DN có nguy cơ phá sản. Vì vậy, với diễn biến lạm phát thuận lợi hơn, Chính phủ chắc chắn sẽ có những điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh tình trạng đổ vỡ hàng loạt. Tôi nghĩ, điều chỉnh lãi suất cơ bản có thể là một yếu tố được tính đến.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lạm phát chưa được chặn đứng mà vẫn tiếp tục đà tăng, chúng ta mới ở mức độ giảm tốc độ tăng giá, còn thực tế giá tháng sau vẫn tăng hơn tháng trước. Mức tăng giá 20%/năm là một mức rất cao. Vì thế, chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Vấn đề là phải có điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ DN trong điều kiện lạm phát đang dần được kiểm soát. Bởi vì, nếu DN đổ vỡ thì cả nền kinh tế cho đến mỗi người dân đều bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc lại rằng, DN đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Rất nhiều DN không vay được vốn là một chuyện, mặt khác cũng rất nhiều DN đã đến hạn trả nợ nhưng không trả được. Nợ xấu sẽ tăng lên và có thể ở trên cả mức cho phép. Chính phủ phải sớm có biện pháp tháo gỡ để hỗ trợ DN.

- Đã có nhiều lo ngại về viễn cảnh kinh tế suy thoái và đình trệ sau thời kỳ lạm phát. Ông nhìn nhận thế nào về những sự lo ngại này?

- Theo quy luật, để chống lạm phát thường có rất nhiều chính thắt chặt tiền tệ và đầu tư được đưa ra. Sau thời kỳ lạm phát thường là giai đoạn khủng hoảng, suy thoái. Chính phủ đã ưu tiên chống lạm phát và chấp nhận giảm tăng trưởng. Tuy nhiên, những giải pháp như thắt chặt tiền tệ chỉ có tác dụng trong ngắn hạn đề chống lạm phát còn về lâu dài lại gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Vì vậy, ngay trong những tháng cuối năm cần có những biện pháp đề xốc lại tình hình tăng trưởng. Tôi nghĩ, kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn không chỉ trong năm 2008 mà còn kéo dài qua cả 2009 và đến 2010 mới có thể lấy lại phong độ. Vì thế, bên cạnh việc kiềm chế lạm phát, các giải pháp hỗ trợ DN là rất cần thiết.

- Xin cảm ơn Giáo sư.

Kinh tế Mỹ suy thoái, tác động trực tiếp không lớn

Theo Phó giáo sư Ngô Trí Long, nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa hội nhập khá sâu và nền kinh tế giới nhưng chỉ yếu mới là quan hệ giao thương hàng hóa, những quan hệ về tài chính và tiền tệ chưa nhiều và còn được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, những khủng khoảng trên thị trường tài chính Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp không lớn đến Việt Nam.

Tuy nhiên, khi kinh tế Mỹ khó khăn, sức tiêu dùng giảm thì hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường lớn này sẽ gặp vấn đề. Tốc độ xuất khẩu có thể giảm. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp cũng có thể giảm do DN Mỹ và một số nước có quan hệ sẽ chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng trên thị trường tài chính.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường