Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều thách thức đối với Việt Nam. Vì thế, Chính phủ, tiếp tục đặt mục tiêu tiếp tục kiềm chế và không để lạm phát quay trở lại, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu mới là chủ động ngăn chặn suy thoái kinh tế và duy trì tăng trưởng hợp lý.
Theo Thủ tướng, đến thời điểm này có thể nói mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát trong năm 2008 đã được thực hiện. Sau khi thực hiện 8 nhóm giải pháp, từ tháng 6 đến nay chỉ số giá cả đã liên tục giảm và xuống âm 0,14% trong tháng 10/2008.
"Nếu tiếp tục tiếp tục chống lạm lạm phát, thắt chặt tiền tệ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Chính vì thế, từ cuối tháng 8/2008 đến nay đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua việc hạ lãi suất và mở thêm đầu tư xây dựng"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, không thể chủ quan với lạm phát vì nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát chưa được khắc phục triệt để nhưng cũng phải có những nỗ lực để để tránh suy giảm và duy trì tăng trưởng hợp lý trong năm 2009 nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch 2006 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng 7 - 7,5%.
Phân tích những tác động chính đối với nền kinh tế trong năm 2009, Thủ tướng cho rằng, kinh tế thế giới suy giảm, một số nước suy thoái. Dự báo mới nhất của IMF về kinh tế thế giới cho biết năm 2008 sẽ tăng trưởng khoảng 3,7% và năm 2009 chỉ còn 2,2%.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ (chiếm 25% GDP toàn cầu) sẽ giảm 0,7%; Châu Âu giảm 0,5%, Nhật Bản giảm 0,2%. Các nước Châu Á và Asean tăng trưởng khoảng 7%. Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên khi kinh tế thế giới khó khăn, nhất là các nền kinh tế lớn suy giảm thì trước hết xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ... và nhiều mặt hàng khác sẽ gặp trở ngại, số lượng xuất đi giảm, giá cả cũng đi xuống.
Không những vậy, theo Thủ tướng, câu trả lời khi nào nền kinh tế thế giới hồi phục vần là một ẩn số.
Vì thế, Thủ tướng cho biết, trong 8 giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2009 thì chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ nới lỏng hơn trước, và hiện đã đưa lãi suất về gần với mức trước khi có khủng hoảng tài chính thế giới.
Các ngân hàng được tạo thuận lợi để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo thanh khoản. Việc này sẽ tạo điều kiện cho nhà băng khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Cùng với đó, các chính sách tài khóa cũng được áp dụng, như xem xét miễn giảm thuế cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
"Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp, bằng vốn, thuế, thủ tục và mở rộng thị trường. Cùng với đó là chính sách kích cầu trong nước. Các dự án có hiệu quả vẫn được khuyến khích đầu tư, các thành phần kinh tế đều được khuyến khích tham gia, chứ không chỉ đầu tư từ ngân sách..."- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã chính thức công bố một số mục tiêu phát triển kinh tế năm 2009 và hầu hết đều thấp hơn dự kiến đạt được năm 2008. Điều này cho thấy một kịch bản đầy khó khăn với nhiều thách thức đang chờ Việt Nam ở phía trước.
Cụ thể, GDP dự kiến tăng trưởng 6,5% so với mức khoảng 6,7% năm 2008, xuất khẩu chỉ tăng 13% so với mức trên 30% trong năm 2008, thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 30 tỷ USD với mức 60 tỷ năm nay...