Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Bình đưa siêu thị về nông thôn
21 | 08 | 2008
Vừa qua, Sở Thương mại Du lịch Thái Bình đã trình lên UBND tỉnh quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020.
Siêu thị dần thay thế cửa hàng

Theo quy hoạch, trong giai đoạn đến năm 2015, trong 7 huyện và 1 thành phố, Thái Bình phấn đấu có từ 7-10 siêu thị, trung tâm thương mại hạng 1, đây là con số không lớn nhưng đó phải là những tổ hợp thương mại, dịch vụ hoàn chỉnh, đảm bảo được các điều kiện phục vụ văn minh và chắc chắn đó phải là các trung tâm thu hút nguồn hàng, phát luồng nguồn hàng buôn bán cho cả hệ thống.

Các siêu thị này sẽ được tập trung chủ yếu ở thành phố và một số thị xã trong tương lai. Đây cũng sẽ là đầu mối liên kết giữa các siêu thị nhỏ khác trên địa bàn, cung ứng và bổ sung hàng hoá.

Hệ thống này sẽ có các kho dự trữ, trung chuyển tại các vùng nguyên liệu và ngoại vi thành phố. Các toà nhà thương mại được triển khai ở các khu đông dân cư, trung tâm mua sắm thuận lợi với số lượng vừa phải và sự phân bố hợp lý giữa các phường của thành phố, và mỗi thị trấn có từ 1-2 siêu thị tổng hợp hạng 2 và trung tâm thương mại nhỏ.

Giai đoạn 2020, siêu thị loại 3 và các cửa hàng tiện ích sẽ phát triển nhanh thay thế các cửa hàng bán lẻ và dần hướng tới, siêu thị thay thế các cửa hàng tiện ích.

Theo ông Đào Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, việc các mô hình siêu thị, trung tâm thương mại phát triển ở Thái Bình thay thế các cửa hàng bán lẻ là xu thế tất yếu của quá trình phát triển, nhất là đối với thành phố trẻ như Thái Bình đang có những hướng đi chiến lược phá thế thuần nông trong việc phát triển các cụm công nghiệp huyện, điểm công nghiệp xã và việc sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung thì việc hình thành các trung tâm mua bán chuyên nghiệp nhanh chóng thúc đẩy quá trình công nghiệp trên địa bàn.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay tập trung chủ yếu ở thành phố Thái Bình, còn các thị trấn, thị tứ, trung tâm, các huyện lỵ và dọc theo tuyến đường giao thông chính mới chỉ hình thành các cửa hàng tiện ích quy mô nhỏ, tuy nhiên các cửa hàng này cũng là cơ sở cho việc phát triển các siêu thị trong tương lai.

Tính đến tháng 10/2007, trên địa bàn Thái Bình mới chỉ có Trung tâm Thương mại Thái Bình Vàng ở khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, 8 siêu thị và cửa hàng tiện ích đi vào hoạt động với tổng diện tích kinh doanh là 19.530m2, trong đó có khoảng 96.600 các mặt hàng các loại. Nếu áp dụng theo quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ có 2 siêu thị chuyên doanh và 2 siêu thị tổng hợp, còn lại là các cửa hàng tiện ích.

Phá thế thuần nông qua cổng thương mại

Siêu thị chuyên kinh doanh điện máy Thái An ra đời cách đây khoảng 5 năm là siêu thị có mặt sớm nhất trên địa bàn thành phố với khoảng 10.000 mặt hàng. Siêu thị điện tử Anh Chinh được nâng cấp đầu tư thành siêu thị chuyên doanh có khoảng 500 mặt hàng điện tử các loại và một số gọi là siêu thị nhưng thực chất là cửa hàng tự chọn.

Siêu thị đang được người dân quan tâm nhất hiện nay ở Thái Bình là siêu thị Hapro Mart của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Các mặt hàng ở siêu thị này khá phong phú, năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh cao song hạn chế trong diện tích sàn và bãi đỗ xe, dịch vụ hỗ trợ chưa hoàn thiện.

Nhìn chung thì các siêu thị này mới chỉ đảm bảo siêu thị hạng 3, sử dụng vỉa hè công cộng làm nơi trông giữ xe cho khách hàng đến thăm quan mua sắm, một số siêu thị được cải tạo từ các cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác cho thuê lại, tất cả chưa có tầng hầm làm kho hàng và nơi trông giữ xe.

Hiện nay, có nhiều tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang thực hiện kinh doanh phân phối tại Việt Nam thông qua mô hình phân phối chuỗi, bao gồm các siêu thị, trung tâm kho vận, đại lý bán sỉ, bán lẻ, siêu thị bách hoá...

Thị trường phân phối của Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn từ 1/1/2009. Đây sẽ là sức ép rất lớn với các nhà phân phối trong nước buộc các doanh nghiệp kinh doanh phải đẩy mạnh đầu tư mạng lưới phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng tầm để đủ sức cạnh tranh trong tình hình mới.

Theo chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Thái Bình phấn đấu đến năm 2010 đưa GDP bình quân đầu người từ 5,740 triệu đồng năm 2005 lên 14,3 triệu đồng năm 2010 và 51,5 triệu đồng năm 2020.


Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường