Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân
19 | 08 | 2008
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" được thảo luận và thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ký ban hành ngày 5/8 đã xác định như vậy. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

Nghị quyết nêu rõ: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về vấn đề “nông nghiệp, nông thôn, nông dân”

Mục tiêu đến năm 2010 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt ở các huyện còn trên 50% hộ nghèo, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản 3 - 3,5%/năm.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn không thấp hơn mức bình quân của cả nước. Lao động nông nghiệp còn dưới 50% lao động xã hội. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, tăng tỉ lệ che phủ rừng và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch.

Những nhiệm vụ cấp bách trước mắt

Ðể đạt được mục tiêu do Ðại hội Ðảng lần thứ X đề ra tới năm 2010, Nghị quyết nhấn mạnh, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính. Cụ thể, hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, khu công nghiệp và quy hoạch chuyên ngành theo vùng. Triển khai nhanh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị.

Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai năm 2003, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật khác có liên quan.

Ðảm bảo tiến độ các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai; thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nước biển dâng; khống chế, dập tắt kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực ở nông thôn.

Triển khai chương trình "xây dựng nông thôn mới", trong đó thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước.

Hướng tới một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại

Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi có hiệu quả, nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80%.

Phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt bốn mùa tới các xã và cơ bản có đường ô-tô đến thôn, bản.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, chế độ cứu trợ đối với hộ thiếu đói, vùng khó khăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo. Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc đối với nông dân. Tiếp tục chỉ đạo hòan thiện và thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở.

Ðổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Hình thành chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo hằng năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ năm 2009 và đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân. Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



Nguồn: Web CP
Báo cáo phân tích thị trường