Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thách thức trong mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn sau khi nước ta hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới như xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo ổn định đời sống nông dân? Thời gian qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu nông nghiệp đáng kể như: giải quyết được vấn đề an toàn lương thực - một việc mà nhiều nước hiện nay đang gặp khó khăn, phát triển một số cây trồng và sản phẩm xuất khẩu có chỗ đứng trên thị trường thế giới như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, cao su... Thế nhưng, nhìn tổng quát, nền nông nghiệp của nước ta vẫn có năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp so với nhiều nước trên thế giới. Điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân.
Hơn nữa, trong sự phát triển chung, có một số vùng còn kém phát triển, đời sống của bà con nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những nơi còn thiếu lương thực, hoặc là có lương thực, nhưng đó là ngô, chứ không phải là gạo; rồi thiếu nước sinh hoạt, thiếu các dịch vụ công cộng tối thiểu...
Vì thế, một mặt cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp ở một trình độ cao hơn, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải giải quyết rất nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra đó là khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp; giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân và tổ chức phát triển nông thôn một cách hài hoà bền vững.
Trong ba vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn vấn đề nào là khâu đột phá?
Thực tế khó có thể tách rời hoặc chú trọng đẩy mạnh riêng một vấn đề nào mà cần một gói giải pháp tổng thể, toàn diện lấy người nông dân làm trung tâm, động lực để phát triển, giải quyết vấn đề “tam nông” hiện nay.
Thế nhưng, chỉ mình ngành nông nghiệp không thể giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt trong thời gian gần đây, đất đai ở nhiều nơi bị thu hẹp, lao động ở nhiều nơi cũng giảm xuống và nguồn lực đầu tư rất hạn chế, nên sự tăng trưởng của nông nghiệp cũng đang đứng trước thử thách rất lớn. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng, theo tôi, chủ yếu phải dựa vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Cụ thể, chúng ta phải thúc đẩy phát triển sản xuất, thông qua việc đa dạng hoá nông nghiệp, đa dạng hoá cây trồng, rồi phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng... tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho bà con nông dân.Quan trọng không kém, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp và nông thôn. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể nhanh chóng tạo ra nhiều chuyển biến và cơ hội tăng thu cho bà con nông dân. Đó là con đường nhiều nước đã đi.
Bộ trưởng nói về thực tế diện tích đất nông nghiệp đang giảm xuống nhưng cũng có thực tế nhiều nơi nông dân vẫn bỏ ruộng?
Nông dân rời bỏ ruộng đồng, không làm nông nghiệp là một quá trình đã và sẽ diễn ra ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Điều này cho thấy khu vực phi nông nghiệp đã có đà phát triển mạnh hơn, thu hút được nhiều nông dân hơn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng thu nhập của nông dân thấp hơn và hiệu quả lao động của họ trên đồng ruộng thấp hơn, nên họ đã rời bỏ ruộng đồng để đi tìm kiếm cơ hội có việc làm và thu nhập cao hơn ở nơi khác?
Tìm giải đáp cho câu hỏi này chính là nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta phải làm sao để cho sản xuất nông nghiệp của bà con trên đồng ruộng có hiệu quả hơn và đem lại hiệu quả cao hơn. Việc rà soát, giảm bớt đóng góp cũng là một cách, nhưng còn phải làm nhiều biện pháp nữa, đặc biệt là việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật để làm sao cũng một hécta đồng đất đó, cũng với công lao động đó, cũng với đồng vốn đó của nông dân bỏ ra, người nông dân có được thu nhập cao hơn. Lúc đó, họ sẽ gắn bó hơn với đồng ruộng.
Còn kế hoạch xây dựng nông thôn mới có gì khác biệt so với trước kia, thưa Bộ trưởng?
Từ năm 1999, chúng ta đã triển khai xây dựng các mô hình thí điểm về xây dựng nông thôn mới, nhưng kết quả đạt được rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do áp dụng cách suy nghĩ cũ, chủ yếu dựa vào sự tài trợ của bên ngoài và ý kiến chủ quan của các cơ quan lãnh đạo.
Lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng các mô hình nông thôn mới thay vì dựa vào nguồn lực từ bên ngoài thì cần phát huy sự sáng tạo, năng lực nội tại của các cộng đồng nông thôn, đồng thời, tạo điều kiện để cộng đồng nông thôn, bà con suy nghĩ quyết định và lựa chọn những công việc họ thấy cần thiết nhất, bức thiết nhất đối với cuộc sống của họ.
Nó cũng giống như việc thực hiện các cam kết cắt giảm trợ cấp trong nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra yêu cầu phải tìm giải pháp hỗ trợ người nông dân như thế nào để có hiệu quả nhất.