Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người trồng thanh long "sạch" gặp khó
23 | 07 | 2008
Người trồng thanh long sạch ở Bình Thuận đang không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, những công ty xuất khẩu rau quả của TP.HCM lại không mua được loại thanh long này để xuất khẩu
Theo ông Lý Hải Long, giám đốc xuất khẩu công ty TNHH Bảo Thanh, công ty chuyên xuất khẩu rau quả ở TP.HCM, công ty ông đang gặp khó, vì có nhiều đơn đặt hàng thanh long ở châu Âu. Nhưng lại không mua được thanh long sạch từ Bình Thuận.

Theo ông Long, các công ty phân phối, những tập đoàn siêu thị sẽ không đặt hàng nhỏ lẻ mà họ lên kế hoạch cả năm để đặt hàng với số lượng lớn. Cụ thể, như trái thanh long, ngay từ đầu năm 2008, tập đoàn Metro lên kế hoạch đặt hàng 600 tấn thanh long cả năm.

Các doanh nghiệp Việt Nam, nếu liên kết lại có thể đáp ứng được nhu cầu. Nhưng không ai muốn làm và những doanh nghiệp có tiềm lực về xuất khẩu muốn nhận hợp đồng này cũng gặp khó khăn.

Những ông chủ doanh nghiệp xuất thân từ nông dân có sản lượng nhiều, không dám giao cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có vốn trong việc buôn bán quốc tế, bởi họ sợ những trung gian này sẽ “ăn dày”.
Theo ông Long, nếu không bán được trực tiếp cho các tập đoàn siêu thị nước ngoài, khi thanh long được xuất qua một trung gian, giá trị trái thanh long xuất khẩu của Việt Nam phải mất đến 40%.

Giám đốc một công ty xuất khẩu rau quả khác ở TP.HCM cho biết, với cung cách làm ăn như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận đang làm giảm sức cạnh tranh của loại trái cây này ở thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, ông dẫn chứng, công ty của ông đã từng xuất khẩu thanh long sang Đức, với giá 30 USD/thùng 4kg. Các doanh nghiệp thanh long ở Bình Thuận, sau khi tìm hiểu những thông tin về thị trường, đã chào giá những đối tác bên Đức là 24 USD/thùng 4kg thanh long.

Rõ ràng là các doanh nghiệp Việt Nam đang làm khó nhau. Hậu quả là, những doanh nghiệp không thể mua trái thanh long từ nông dân với giá cao.

Ông Lý Hải Long nêu ý tưởng thành lập một công ty cổ phần, phụ trách toàn bộ khâu xuất khẩu cho trái thanh long Bình Thuận. Nông dân có thể đóng góp cổ phần bằng gốc thanh long, trên số lượng trái thu hoạch mỗi mùa.

Lợi nhuận từ xuất khẩu thanh long sẽ được chia đều cho tất cả thành viên. Ông Long nói rằng, trong tháng này, Bảo Thanh sẽ cử người ra Bình Thuận xúc tiến thành lập công ty cổ phần này.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết, khâu kiểm hoá sân bay cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, trái cây tươi. Khi đóng hàng xuất khẩu, doanh nghiệp đưa hàng vào container lạnh, dưới 10 độ C.

Nhưng khi tới sân bay, hải quan buộc phải mở container, đưa từng thùng thanh long ra kiểm tra qua máy scan. “Qua hết công đoạn này, trái thanh long đông lạnh cũng trở nên… nóng và chất lượng giảm”, ông Long nói.

Trong khi đó, ở nước ngoài, họ kiểm tra bằng máy scan mỗi lần cả container đông lạnh. “Tôi kiến nghị vấn đề này cả 10 năm nay, nhưng hải quan sân bay vẫn chưa thay đổi”, ông Long nói. Và mỗi năm công ty Bảo Thanh phải bồi thường những thùng hàng trái cây đông lạnh bị hư hại, kém chất lượng do khâu kiểm hoá này lên đến 300.000 USD.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường