Giá vẫn còn rẻ...
Những ngày cuối tháng 6 dọc tuyến quộc lộ 1A đi ngang huyện Hàm Thuận Nam, nơi được mệnh danh là “kinh đô thanh long Bình Thuận” rất nhiều nhà vườn dùng xe máy chở thanh long vừa thu hoạch còn đỏ tươi đến bán cho các cơ sở thu mua xuất khẩu. Hầu hết nhà vườn đều rất ngạc nhiên trước thông tin “Mỹ sẽ nhập thanh long” bởi... giá thanh long hiện vẫn rất thấp.
Nếu cách đây 1 tháng giá còn dao động 1.500 - 3.500 đồng/kg thì khi bước vào chính vụ (tháng 6) giá cao nhất chỉ là 2.700đồng/kg loại một, còn loại bình thường 800 -1.200 đồng/ký! Ông Lê Chín (ngụ xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam) cho biết các cơ cở thu mua giải thích giá hạ là vì...nhu cầu tiêu thụ thanh long đang bão hòa, nhất là tại thị trường phía Bắc và thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan...
Trong khi đó, theo chủ cơ sở thanh long xuất khẩu Văn Bình (xã Hàm Mỹ), thông tin về việc thanh long sắp được phép vào thị trường Mỹ còn quá mới mẻ nên chưa tác động đến thị trường thanh long Bình Thuận. Hơn nữa, theo ý kiến của một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn như Kiều Nga, Bảo Long, Lộc Tú... thì không phải trái thanh long nào cũng xuất sang Mỹ được nên thị trường vẫn bình ổn. Thị trường tiêu thụ thanh long chính của hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh thanh long xuất khẩu Bình Thuận vẫn là các tỉnh, thành phía Bắc cùng các nước châu Á.
Hiện diện tích thanh long của Bình Thuận có khoảng 10.000ha, sản lượng trên 150.000 tấn/năm và được đánh giá là lớn nhất Việt Nam. Thống kê từ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, bình quân hàng năm Bình Thuận xuất khẩu thanh long khoảng 20 triệu USD. Nếu so với sản lượng hàng năm thì chưa tương xứng với tiềm năng nên giá cả thanh long luôn thấp và không ổn định. Hầu như năm nào khi vào mùa thu hoạch chính đều xảy ra tình trạng mất giá. Thậm chí có năm giá rẻ đến mức nhà vườn không thèm thu hoạch vì giá bán không đủ trả tiền công thuê người hái thanh long!?
Cần tạo thương hiệu sạch
Trong định hướng phát triển thanh long, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận luôn nhắm đến 2 thị trường xuất khẩu rất tiềm năng là Mỹ và Nhật mặc dù xác định rất khó tính với nhiều đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh. Và để chuẩn bị vào 2 thị trường này, thanh long Bình Thuận đã có những bước chuẩn bị chắc chắn. Đã có 3 cơ sở xuất khẩu thanh long được cấp phép sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu (Eurep.gap) và đủ điều kiện đề xuất sang thị trường Đức. Đây là tiêu chuẩn rất đồng bộ từ lựa chọn đất trồng, giống, kỹ thuật canh tác, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới... cho đến thu hoạch, bảo quản, đóng gói và nhất là kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tỉnh Bình Thuận đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long với nhiệm vụ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc thanh long theo hướng an toàn, mà một trong những nhiệm vụ đang thực hiện là triển khai ký cam kết “4 không” cho các nhà vườn và cơ sở kinh doanh để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh cho trái thanh long khi ra thị trường tiêu thụ. Và mới đây nhất, trung tâm đã 2 lần tiếp đón cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đến Bình Thuận để khảo sát quá trình sản xuất trái thanh long sạch.
Theo bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc trung tâm, phía Mỹ đã cơ bản đồng ý với quy trình sản xuất thanh long sạch của 3 cơ sở có chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Đó là chưa kể muốn vào thị trường Mỹ, thanh long còn phải đáp ứng yêu cầu về quy trình đóng gói phải nằm trong dây chuyền lạnh và các lô hàng phải có mã vạch xuất xứ. Ngoài ra, trái thanh long phải đạt 3 điều kiện là chất lượng vệ sinh an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ và được cơ quan nhập khẩu Mỹ chứng nhận sản phẩm không có sâu bệnh hại...
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho rằng: Để vào được thị trường Mỹ ổn định, thanh long Bình Thuận cần có bước đột phá thực sự trong việc tạo dựng một thương hiệu sạch đúng nghĩa. Có như vậy trái thanh long Bình Thuận-một trong 4 sản phẩm lợi thế của tỉnh-mới có cơ hội thật sự ngay sau thỏa thuận “cho thanh long Việt vào Mỹ” của Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ.