Đặc điểm của thanh long Việt Nam là quả to, vỏ bóng đẹp, dễ ăn, vị ngọt mát, bảo quản lâu, chế biến được nhiều sản phẩm, có trái quanh năm và luôn hấp dẫn trẻ em, có lợi cho sức khỏe đã dễ dàng chiếm lĩnh thị trường. Trong những năm gần đây, do giá trị kinh tế cao của loại quả này nên diện tích trồng thanh long tăng lên nhanh chóng. Các dự án trồng mới thanh long cũng đang được triển khai tại các vùng chuyên canh.
1. Sản xuất
1. 1 Tình hình chung:
- Vài nét về các giống thanh long Việt Nam
Hiện nay ở nước ta hiện nay trồng chủ yếu hai loại thanh long là: Ruột trắng vỏ đỏ và ruột đỏ vỏ đỏ. Thanh long ruột trắng vỏ đỏ: hiện được trồng chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Còn thanh long ruột đỏ vỏ đỏ: có hai loại khác nhau là: Thanh long ruột đỏ giống Đài Loan và thanh long ruột đỏ lai tạo của 2 giống thanh long ruột trắng Việt Nam và thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Côlômbia. Hiện nay rất nhiều bà con các tỉnh đang trồng thử nghiệm. Đầu năm 2006, người tiêu dùng đã bắt đầu thấy thanh long ruột đỏ xuất hiện tại các chợ trái cây Bến Thành (TP.HCM), Bình Thuận. Đây là loại thanh long với nhiều ưu thế như: quả to, màu sắc, chất lượng được nhiều người ưa chuộng.
Thanh long cho quả vào hai vụ: vụ thuận từ tháng 4-9DL, vụ nghịch từ tháng 11-3AL. Thời gian từ khi ra hoa đến 25 ngày là có thể thu hoạch. Mùa vụ thanh long được bán ở hầu hết các chợ đầu mối của cả nước. Tuy nhiên nhiều nhất vẫn là ở các chợ Tam Bình (Thủ Đức); Tân Phong (Đồng Nai)…
-Tình hình sản lượng và chất lượng thanh long trong năm 2006:
Trong năm 2006, sản lượng thanh long ở các vùng điểm của nước ta đạt khoảng 200 ngàn tấn. Chủ yếu thanh long được tiêu thụ tại thị trường trong nước; số lượng xuất khẩu còn hạn chế và chỉ thể hiện được một phần tiềm năng thanh long của nước ta.
Về chất lượng, giống thanh long Việt Nam được đánh khá cao: vỏ tươi, vị ngọt mát… nhưng do quá trình sản xuất chưa áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật hiện đại nên chất lượng trái chưa đồng đều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường quốc tế.
- Các vấn đề liên quan:
Năm 2006 là năm cây thanh long phải đối mặt với dịch bệnh như: thán thư hay sên hoành hành rất mạnh mẽ. Đối với dịch sên hại cây thanh long xuất hiện từ năm 2005 nhưng hoành hành mạnh mẽ nhất là năm 2006. Đây là một loại sâu có sức sinh sản rất nhanh nên mức độ tàn phá là không nhỏ. Theo Phòng nông nghiệp huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), trên địa bàn huyện hiện có trên 300 ha/1.200 ha thanh long chính vụ đang cho trái bị nhiễm bệnh thán thư, sên hoành hành gây thiệt hại khoảng 9 tỉ đồng… Bà con nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng như tỉnh Bình Thuận đã dùng các biện pháp như: bắt sên, nuôi vịt ăn sên, phun thuốc nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để nạn dịch nói trên.
Còn bênh thán thư là hiện tượng nhánh thanh long bị vàng, bắt đầu từ gốc. Mức độ vàng tăng dần, sau đó là nhánh bị thối, khô chỉ còn lại phần lõi bên trong. Một số thân lá teo lại, khô, không phát triển. Nếu quả nào đóng trên các nhánh bệnh thì quả bị vàng, chín héo và rụng dần. Bệnh xuất hiện được gần 2 tháng, nhưng vẫn chưa có đơn vị bảo vệ thực vật xác định chính xác là bệnh gì, phương pháp điều trị ra sao, nên nông dân cứ theo kinh nghiệm của mỗi người mà tự điều trị cho thanh long của mình. Có thể nói rằng năm 2006, là năm nhiều dịch bệnh đối với bà con trồng thanh long và điều đó ảnh hưởng lớn đến sản lượng thanh long của cả năm.
1.2 Các vùng chuyên canh trong cả nước
Vùng sản xuất thanh long Bình Thuận:
Nổi tiếng với đặc sản thanh long, Bình Thuận là vùng sản xuất thanh long lớn nhất cả nước. Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha thanh long trong đó có xấp xỉ 5.000 ha đang trong thời kỳ cho trái.
Thanh long Bình Thuận có ưu điểm về màu sắc, độ lớn và chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, Hợp tác xã (HTX) thanh long Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) trao chứng chỉ danh giá "Thực hành nông nghiệp tốt và trái cây ngon Thanh long Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) vừa được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) cấp chứng chỉ thực hành nông nghiệp tốt và chất lượng trái cây ngon (EurepGap). Đây là kết quả của chương trình tổng thể do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ từ năm 2004, thông qua dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh" (VNCI) nhằm giúp HTX Thanh long Hàm Minh đạt các tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao đời sống người trồng thanh long và bảo vệ môi trường thiên nhiên để tăng cường ưu thế cạnh tranh vào thị trường châu Âu. Được biết, HTX Thanh long Hàm Minh đã xuất 500kg thanh long cho Metro châu Âu để bán tại các siêu thị ở Đức và dự kiến sẽ tiếp tục đưa sản phẩm thanh long Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Thanh Long, cây trồng đặc hữu ở tỉnh Bình Thuận đã và đang tiếp tục khẳng định thế mạnh là một trong những mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, thanh long hiện nay ở Bình Thuận đang được xuất khẩu và bán tại nhiều thị trường trên thế giới. Tỉnh Bình Thuận dự kiến trong 5 năm nữa sẽ có 50.000 đến 60.000 tấn thanh long xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu lên tới 25 đến 30 triệu USD.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu gần 9 triệu USD từ mặt hàng thanh long mỗi năm ở Bình Thuận là chưa thực sự phản ánh hết thế mạnh của cây trồng này. Lượng thanh long xuất khẩu mỗi năm chỉ là 25.000 tấn, chưa đạt đến một nửa sản lượng thanh long có được. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đang thay đổi cách thức đầu tư cho cây thanh long trên diện tích khoảng 5.000 ha hiện có. Hướng đầu tư tập trung vào quy trình sản xuất hướng đến tiêu chuẩn Eurepgap, trong đó, chú ý đến Công nghệ sau thu hoạch, đảm bảo có được sản phẩm thanh long sạch.
Vùng sản xuất Thanh long Tiền Giang:
Ở Tiền Giang, thanh long được trồng tập trung ở xã Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, Trung Hoà và Tận Bình Thạnh,… thuộc huyện Chợ Gạo. Hiện nay tỉnh có khoảng 2.000 ha thanh long trong đó chợ gạo có 1.700 ha. Tính riêng huyện Chợ Gạo hàng năm sản lượng thanh long đạt từ 40.000 đến 50.000 tấn.
Ngày 27-10, tại xã Quơn Long (Chợ Gạo), đã diễn ra Hội nghị thành lập "Hợp tác xã Thanh Long Chợ Gạo". HTX có 22 xã viên. Vốn cổ phần đang được huy động trong kế hoạch 300 triệu, hiện đạt 104 triệu đồng. "HTX Thanh Long Chợ Gạo" ra đời có nhiệm vụ vận động nhà vườn nâng cao sản lượng thanh long, nâng cao phẩm chất trái và an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. "Hợp tác xã Thanh Long chợ Gạo" sẽ là đơn vị đầu tiên sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh Long Chợ Gạo" do tỉnh Tiền Giang xây dựng và cho phép các công ty, HTX, Hội Làm vườn… trong huyện Chợ Gạo sử dụng để cải thiện kênh tiếp thị thanh long.
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước của vùng đất Chợ Gạo cho thấy chất lượng thanh long Chợ Gạo rất tốt nhưng về diện tích thì ít hơn và trồng không quy củ bằng Ninh Thuận. Tuy nhiên, hiện nay huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có trên 300 ha/1.200 ha thanh long chính vụ đang cho trái bị nhiễm bệnh thán thư, gây thiệt hại lớn.
Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chợ Gạo cho biết, những năm trước đây, cây thanh long ở Chợ Gạo cũng bị nhiễm bệnh thán thư, nhưng không đáng kể, nhưng năm nay bệnh đang lan rộng ở nhiều nơi. Nguyên nhân cây thanh long bị nhiễm bệnh thán thư là do ở thời điểm thanh long cho trái, thời tiết mưa nhiều. Hơn nữa, do đang là thời điểm chính vụ, giá thanh long xuống nên nhiều hộ nông dân không xịt thuốc ngừa bệnh cho cây thanh long, dẫn đến hiện tượng nhiễm bệnh và đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Để kịp thời ngăn chặn bệnh bùng phát, Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con phun xịt trên trái và nụ những diện tích chưa nhiễm bệnh bằng thuốc Antracol và Ziplo. Mặt khác, Tỉnh cũng có những dự án nhằm tăng diện tích trồng thanh long của khu vực huyện Chợ Gạo, một mặt tận dụng lợi thế cây trồng, mặt khác tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân trong vùng.
Vùng sản xuất Thanh long Long An:
Nổi tiếng nhất về trồng thanh long trong tỉnh Long An là huyện Châu Thành. Thanh long Châu Thành đã có một thời ''lên ngôi nữ hoàng'', thậm chí nói đến trái thanh long là người ta nhớ đến Châu Thành. Trong một thời gian dài do kỹ thuật canh tác, thị trường…làm thanh long Châu Thành không giữ được vị trí như xưa.
Gần đây, nhận thấy tiềm năng của loại cây ăn quả này, các nhà vườn Châu Thành đã chuyển từ trồng thanh long theo kiểu cũ (trồng thanh long kèm với một cây khác làm chỗ cho thanh long bám) sang trồng giống thanh long mới với cọc bêtông ngay hàng thẳng lối như ở Bình Thuận, trông đẹp mắt hơn.
Vấn đề hiện nay là thương hiệu cho trái thanh long Châu Thành trong điều kiện Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trên địa bàn các xã Long Trì, Dương Xuân Hội, Hiệp Thành, An Lục Long huyện Châu Thành (Long An) có khoảng 1.200 ha thanh long. Trong đó, việc chuyển đổi từ trồng cây trụ sống sang trụ sạn (bê tông) và xông đèn cho ra trái chính vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thanh long là một loại cây ăn quả dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Theo như dự kiến đến năm 2010 diện tích cây thanh long cả nước sẽ đạt 14,3 ngàn ha và sản lượng là 236,5 ngàn tấn. Điều đó cho thấy chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của nước ta.
2. Diễn biến giá thanh long tại thị trường nội địa
Nhìn chung tình hình giá thanh long trên thị trường trong nước năm 2006 khá ổn định. Mức giá thanh long loại đặc biệt luôn cao từ 7.000 đồng trở lên, có nhiều khi còn lên tới 13.000 đồng. Hơn thế nữa, do ngày càng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ và xử lý cây trái bà con nhân dân có thể xử lý cho quả quanh năm nên thu nhập từ trái thanh long khá cao.
3. Tình hình xuất nhập khẩu:
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo số liệu thống kê chính thức từ Tổng Cục Hải Quan,năm 2006 thanh long luôn là mặt hàng nông sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn.
Tháng 10 năm 2006, xuất khẩu thanh long cả nước đạt 2,74 triệu USD, giảm 18,18 % so với tháng 9/2006. Giá xuất khẩu thanh long trung bình trong tháng 10/2006 đạt 0,509 USD/kg. Sang đến tháng đến tháng 11/2006, số lượng thị trường nhập khẩu thanh long của Việt Nam là 18. Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 triệu USD. Trong tháng này, xuất khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam đạt kim ngạch xấp xỉ 4 triệu USD, tăng 45% so với tháng 10/2006 và tăng 17,7% so với tháng 9/2006. Giá thanh long xuất khẩu trung bình trong tháng 11/06 đứng ở mức 0,603 USD/kg, tăng 18,5% so với tháng 10/2006.
Trong tháng 11/2006, xuất khẩu thanh long tới hầu hết các thị trường quen thuộc như Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc…đều tăng và đặc biệt tăng mạnh tại thị trường EU. Đáng chú ý, trong tháng 11/2006, xuất khẩu thanh long của nước ta đã được mở rộng ra 03 thị trường mới. Trong đó, Italia là thị trường mới đạt kim ngạch xuất khẩu thanh long cao nhất, đạt 40 nghìn USD.. Sang đến tháng 12/2006, lượng thanh long xuất khẩu chỉ đạt gần 3 triệu USD, giảm 18% so với tháng 11/06. Các thị trường chính xuất khẩu thanh long vẫn là Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singgapore.
Đáng chú ý, trong năm 2006 xuất khẩu thanh long của nước ta có một lô hàng bị cảnh báo là là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Lô hàng gồm 400 thùng cartons được đóng gói tại Tiền Giang trị giá khoảng 9.370 USD xuất sang thị trường Đan Mạch (ngày 23-1-2006) bị cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Trước tình hình trên, việc thành lập các phòng kiểm định thuốc BVTV ở các tỉnh có trái cây xuất khẩu là đặc biệt cần thiết để giúp các doanh nghiệp giám định tồn dư thuốc BVTV trước khi đóng gói xuất khẩu. Đối với ngành nông nghiệp, các tỉnh nên hướng dẫn bà con nhà vườn sản xuất theo quy trình trái ngon và an toàn thực phẩm (GAP).
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường thành viên của EU, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra một chiến lược xuyên suốt từ khâu sản xuất, đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế đến phân phối và quảng bá.
4. Tham khảo một số sự kiện nổi bật trong năm:
Thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ tư của cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học công nghệ vừa trao Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Từ đây Thanh Long Bình Thuận – thương hiệu độc quyền trên thế giới được công nhận. Đây là chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa - một công cụ hết sức quan trọng giúp bình ổn chất lượng và danh tiếng của thanh long Bình Thuận, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng có xuất xứ rõ ràng. Người tiêu dùng sẽ được cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng. Quan trọng hơn là bổ sung giá trị cho sản phẩm của địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn và các vùng du lịch. Thương hiệu Thanh long Bình Thuận sẽ có cơ hội vượt ra xa hơn nữa và thâm nhập vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản mà trước hết tập trung vào châu Âu.
Ngày 26-10, HTX Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận nhận được "Chứng chỉ EUREP GAP"; Đó là Chứng chỉ của Công ty Chứng nhận châu Âu. IMO chứng nhận trường châu Âu, chứng chỉ EUREP GAP là một "giấy chứng minh" cho chủ trang trại. HTX sản xuất theo một quy chuẩn kỹ thuật sản xuất an toàn, trên hệ thống tiếp thị, "Chứng chỉ EUREP GAP" là "giấy thông hành", một thứ giấy "bắt buộc" phải có để xuất khẩu nông sản vào châu Âu. Hiện nay nhiều nước ngoài châu Âu, về mặt an toàn cho người sử dụng, chấp nhận chất lượng sản phẩm thông qua chứng chỉ này. Đến nay, HTX Hàm Minh là đơn vị đầu tiên về lĩnh vực sản xuất cây ăn quả của Việt Nam nhận được Chứng chỉ EUREP GAP.
Hiện nay nhiều địa phương đang phấn đấu đạt được chứng chỉ EUREP GAP như: Thanh long Chợ Gạo, Dứa Tân Lập (Tiền Giang); Bưởi da xanh (Bến Tre); Công ty Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận); HTX Thanh long Dương Xuân (Long An) và nhiều đơn vị địa phương khác đang xây dựng mô hình sản xuất theo hướng GAP. Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, TS Nguyễn Minh Châu đã chỉ đạo cho các đề tài nghiên cứu thuộc Viện tùy tình hình cụ thể ở các địa phương, có thể triển khai quy trình sản xuất GAP ra diện tích lớn hàng trăm ha để sớm có vùng nguyên liệu phục vụ phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu trái cây theo tiêu chuẩn GAP ngay sau khi kết thúc mô hình. Được biết, HTX Hàm Minh đã thực hiện những chuyến Thanh Long GAP do HTX sản xuất trong quá trình xây dựng mô hình xuất khẩu sang châu Âu ghi nhận kết quả tốt.
Hơn thế nữa, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã hoàn thành việc chuyển giao dây chuyền rửa, làm khô và đóng gói thanh long cho Công Ty Thanh Long Hoàng hậu (Bình Thuận). Công ty rất phấn khởi với dây chuyền này vì quả thanh long được làm sạch mà không bị dập, gãy tai như lau chùi thủ công, đồng thời quả cũng được làm khô triệt để hơn nên không còn hiện tượng bị nhũn do nước đọng.