Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lục Ngạn ghép cải tạo giống hồng
30 | 07 | 2008
Trong khuôn khổ chương trình của dự án hợp tác với ACIAR (Australia) "Nâng cao sản lượng và chất lượng hồng ngọt tại Việt Nam và Australia", mới đây Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp^ với Hội làm vườn huyện Lục Ngạn triển khai mô hình ghép cải tạo giống hồng ăn quả tại 2 xã Thanh Hải và Tân Quang của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện chất lượng quả hồng sản xuất tại Việt Nam và nâng cao điều kiện kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng nông thôn nghèo thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài Lục Ngạn, dự án còn xây dựng các mô hình ghép cải tạo thử nghiệm và trình diễn khác tại các trang trại tư nhân ở Mai Sơn, Mộc Châu (Sơn La), Đà Bắc (Hòa Bình) để đánh giá một cách toàn diện về tính thích nghi của giống cũng như kỹ thuật ghép đoạn cành trên cây hồng.

Được hỏi về kỹ thuật ghép cải tạo giống hồng, tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Nghiêm, Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu Rau quả) giải thích: Ghép đoạn cành giống hồng giòn Fuyu và Jiro trên gốc ghép là các cây hồng Nhân Hậu già cỗi hoặc bị sâu bệnh và các giống hồng chát, hồng địa phương cho năng suất, chất lượng kém để có một vườn hồng giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, bán được giá, cho thu nhập nhiều hơn.

Giống hồng giòn Fuyu có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập nội, trồng thử nghiệm thành công ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), Đà Bắc (Hòa Bình)… Giống hồng này có dạng quả dẹt, hơi vuông, khi chín có màu vàng cam, thịt quả màu vàng sáng, ăn giòn, không chát, bảo quản được lâu. Thời gian ra hoa vào cuối tháng 3, thu hoạch từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Hồng Fuyu thuộc nhóm không chát PCNA được trồng phổ biến ở nhiều nước có khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, dùng ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến để xuất khẩu rất có giá trị.

Kết quả trồng thử nghiệm ở nước ta cho thấy giống có nhiều ưu điểm như chịu rét, chịu hạn tốt, có khả năng chống chịu sương muối và gió mùa và các điều kiện ngoại cảnh bất lợi khác. Ngoài quả to, mẫu mã đẹp, hồng giòn có thời gian chín kéo dài 15 ngày, khi chín, quả có thể để thêm 10 ngày nữa mà vẫn giữ được độ cứng nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển đi xa mà nhiều giống hồng khác không có được. Nông dân tham gia mô hình được cung cấp mắt ghép và một số vật tư thiết yếu miễn phí, được hướng dẫn kỹ thuật ghép và chăm sóc theo đúng qui trình để đạt được kết quả cao nhất.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lục Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Thống kê toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 1.080 ha hồng trong tập đoàn cây ăn quả. Ngoài các giống hồng Nhân Hậu, hồng Đoàn Kết có chất lượng tương đối cao nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại chủ yếu là các giống hồng chát chất lượng kém, bán không được giá, hiệu quả kinh tế thấp. Hàng năm vào mùa thu hoạch, tại thị trấn Chũ, trong khi các giống hồng ngon như Nhân hậu, Đoàn Kết… bà con bán được tới 3.500 - 4.000 đồng/kg thì các giống hồng chát chỉ bán được từ 500 - 1.000 đồng/kg, thậm chí có lúc không ai mua phải để rụng thối ngoài vườn.

Mới đây nhờ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả và Hội làm vườn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình thí điểm ghép cải tạo các vườn cây ăn quả hiệu quả thấp thay bằng các giống cây ăn quả mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt có khả năng rải vụ thu hoạch nhờ chín sớm hoặc chín muộn như các giống vải Hùng Long, Bình Khê, Yên Hưng chín sớm; các giống hồng giòn Fuyu và Jiro bán được giá, nông dân rất phấn khởi, hồ hởi làm theo. Xã sẽ tiếp tục phối hợp với Viện và Hội làm vườn huyện tiếp tục ghép cải tạo giống hồng để bà con dần chuyển đổi hết các giống hồng kém chất lượng sang các giống hồng mới chất lượng cao, sớm hình thành một vùng cây ăn quả đặc sản có sản lượng cao, chất lượng tốt.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường