Vùng rau xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi là vùng sản xuất rau lớn và quy mô nhất ở Quảng Ngãi. Trung bình mỗi tháng Nghĩa Dũng đã cung cấp cho thị trường hàng chục tấn rau xanh. Nhờ hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rau, nên Nghĩa Dũng đã được chọn là nơi triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn. Trên 350 triệu đồng đã được đầu tư cho dự án này, bao gồm hỗ trợ đầu tư nhà lưới, phân bón, giống và cả hệ thống máy xử lý Ozone… Một thực tế đáng ghi nhận là từ khi triển khai dự án trồng rau an toàn, người nông dân đã dần thay đổi cách trồng rau an toàn hơn, nghĩa là dư lượng chất gây hại cho sức khoẻ con người như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… đã được hạn chế đáng kể, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng. Mặc dù vậy, nhưng phần lớn rau sản xuất ra người nông dân vẫn phải tự tìm thị trường tiêu thụ. Do phải tuân thủ theo tiêu chí an toàn, đồng nghĩa với việc bà con sẽ bỏ chi phí cao hơn khi sản xuất rau. Thế nhưng khi tiêu thụ thì giá cũng không cao hơn mấy so với rau đại trà, nhiều lúc bán bằng giá. Nhìn những ruộng rau xanh ngát, trải dài cứ ngỡ bà con nông dân đang trúng mùa rau, đặc biệt là giá cả, bởi rau an toàn luôn có giá bán cao hơn rau trồng đại trà nhưng thực tế lại ngược lại, người trồng rau còn lo lắng vì giá rau không cao mà họ còn phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm của mình bởi chưa có đơn vị nào thực sự đứng ra bao tiêu sản phẩm của người trồng rau. Được biết, sau khi giai đoạn 1 của dự án phát triển mô hình sản xuất tiêu thụ rau an toàn ở Quảng Ngãi không đạt yêu cầu đề ra, giai đoạn 2 của dự án đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Lưu. Doanh nghiệp này cho biết ngoài 150 triệu đồng của dự án, doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm trên 1 tỷ đồng để trang bị hệ thống máy móc, xe lạnh…để tiêu thụ rau, bao tiêu 100% sản phẩm của nông dân sản xuất, đồng thời trợ giá, trả lương cho cán bộ của HTX…Thế nhưng trên thực tế, sản lượng rau sản xuất ra được công ty thu mua rất khiêm tốn, chỉ từ 10-20%...Từ sau khi dự án kết thúc 30/4/2007, đến nay hầu như doanh nghiệp này không còn thu mua rau của nông dân, mặc dù trước đó họ có hứa rằng sau khi dự án kết thúc sẽ tiếp tục triển khai mở rộng diện tích sản xuất… Qua tìm hiểu nguyên nhân thực trạng trên, được biết để sản xuất được rau an toàn đòi hỏi có rất nhiều điều kiện. Theo quy định của Bộ NN&PTNT thì điều kiện để sản xuất rau an toàn phải hội đủ 10 yếu tố như: Đủ nhân lực có trình độ sản xuất rau an toàn, đất trồng phải đảm bảo không nhiễm độc kim loại nặng và thuốc BVTV; nguồn nước tưới phải đảm bảo không ô nhiễm kim loại, độc tố, sinh vật; phòng trừ sâu bệnh theo IPM; sản phẩm rau an toàn khi lưu thông phải có chứng nhận bao bì, nhãn mác… Tuy nhiên để thực hiện các nội dung bắt buộc trên thì phải thực hiện tới 27 yêu cầu, trong đó phải thực hiện phân tích mẫu để xác định mức, giới hạn tối đa của vùng đất sản xuất rau an toàn là 5 chất kim loại nặng trong đất, 22 loại thuốc BVTV tồn dư trong đất và 14 chất hoà tan, không hoà tan trong nguồn nước tưới rau an toàn. Một khi thực hiện được các quy định trên thì Sở NN&PTNT sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Chính vì những điều kiện nghiêm ngặt trên nên hầu hết diện tích sản xuất rau gọi là rau an toàn ở Quảng Ngãi chưa được cấp giấy chứng nhận rau an toàn. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao rau an toàn ở Quảng Ngãi vẫn chưa tìm được cho mình chỗ đứng trên thị trường. Có thể nói, trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu như hiện nay, để thực sự có được thị trường tiêu thụ thì một mặt, người nông dân không còn cách nào khác là phải chọn cho mình quy trình sản xuất an toàn. Mặt khác, cần có sự hợp tác hỗ trợ từ phía các Ban ngành liên quan tại địa phương nhằm xúc tiến khâu thu mua và tiêu thụ cho sản phẩm rau an toàn Quảng Ngãi. |