Ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội):
Giá rau tăng mạnh và đứng ở mức cao như hiện nay là do nguồn cung cấp rau cho Hà Nội bị thiếu hụt. Nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 2.500 tấn rau mỗi ngày; trong đó, nguồn cung cấp rau xanh từ các huyện ngoại thành chỉ đáp ứng 55%, số còn lại phụ thuộc vào các tỉnh, thành lân cận. Chúng tôi đang tích cực huy động các doanh nghiệp lớn, các cửa hàng kinh doanh rau sạch trên địa bàn cùng các siêu thị tích cực tìm nguồn cung tại các vùng rau ngoại thành và các tỉnh lân cận để bổ sung vào nhu cầu rau của người dân thành phố.
Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế:
Việc giá rau có lúc tăng đến 50% cho thấy công tác điều tiết cung - cầu, thị trường của chúng ta chưa nhạy bén. Tôi là người VN nên tôi có thể khẳng định đất nước chúng ta không bao giờ thiếu rau để ăn, chỉ có điều, nơi này nơi kia có thiếu cục bộ do điều kiện nhất định.
Nếu công tác quản lý, điều tiết cung-cầu được làm tốt thì hoàn toàn có thể bình ổn giá rau, giúp cho nông dân các vùng trồng rau điều hòa cung-cầu, thu nhập. Chúng ta có thể điều chuyển rau từ nơi dồi dào sang nơi thiếu hụt một cách linh hoạt, nhanh chóng bằng cách tạo điều kiện cho thông thương thật tốt giữa các vùng, có liên doanh liên kết giữa người sản xuất và phân phối của các doanh nghiệp...
Thực tế hiện nay, không chỉ rau, nhiều loại nông sản thực phẩm của ta vẫn phụ thuộc vào các thương lái mua gom rau từ các vườn, sau đó chuyên chở và phân phối rau đến các chợ. Và nhiều lúc, giá bán bị nâng cao hơn so với mức độ khan hiếm thực tế. Thiệt hại nhất là người trồng rau vì chỉ bán được giá thấp và người tiêu dùng phải mua rau với giá cắt cổ.
Theo Dân Việt