Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Trách nhiệm còn mù mờ!
21 | 04 | 2009
Đề nghị trang bị xe chuyên dụng và thiết bị kiểm tra nhanh trên đường nhưng hai năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Tại kỳ họp cuối tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bản báo cáo đã được đoàn giám sát trình UBTVQH hôm qua (20-4) nhưng nhiều ý kiến cho rằng nó vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu cho một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, bức xúc.

Không rõ bẩn hay sạch vẫn phải mua

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin một cách quá tải khiến dư luận bức xúc và nghĩ chưa đúng vấn đề: “Đoàn giám sát đưa 26.000 mẫu rau quả đi kiểm nghiệm thì kết quả cho thấy hơn 90% đạt an toàn”. Chứng thực lời ông Triệu, phó đoàn giám sát Nguyễn Đăng Vang bổ sung: “Trước khi chúng tôi đi giám sát, dư luận xã hội nói rằng rau an toàn chỉ đạt 20%-30% thôi. Nhưng kết quả kiểm nghiệm thì đúng như anh Triệu nói, thực phẩm Việt Nam an toàn đến mức độ đó chứ không phải kém như dư luận nghĩ đâu”.

Không tin vào con số này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Dân số nước ta khoảng 90 triệu người mà còn tới 37% lượng thịt không được kiểm soát thì quả là nguy cơ rất lớn. Diện tích rau sạch cũng mới chỉ quản được hơn 8%. Kiểm soát ít như thế mà vẫn đánh giá là rau quả 90% đạt yêu cầu tôi cho rằng không có cơ sở”.

Dẫn chứng thêm, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho hay: Người trồng rau nói rằng luống rau của gia đình ăn thì họ không phun thuốc sâu, thuốc tăng trưởng, còn luống rau đem bán thì tìm mọi cách để làm tăng giá trị. Điều này xuất phát từ cái nghèo khó của người nông dân khiến họ vì cái lợi trước mắt mà quên đi sức khỏe, tính mạng người khác. “Người tiêu dùng thì không phải không biết phải mua rau sạch có nguồn gốc nhưng họ vẫn phải tặc lưỡi chọn vì nghèo. Sáng nay, một bác nói trên truyền hình là biết ở chợ thì khó xác định được rau an toàn hay không nhưng vẫn phải mua vì lương hưu ít, không đủ tiền để mua đồ trong siêu thị” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn bổ sung.

Thiếu đồng bộ về luật pháp, tiền của và người thực thi

Nói về những cái khó của công tác quản lý VSATTP, báo cáo giám sát cũng như phần lớn ý kiến đều cho rằng chúng ta đang thiếu đồng bộ cả ba khâu: luật pháp, tiền của và người thực thi. “Tiền quá ít, 780 đồng/người/năm. Cả Bộ NN&PTNT có ba thanh tra chuyên ngành và Bộ Y tế có chín người. Vấn đề là tiền và người. Lên Lạng Sơn anh em nói chỉ kiểm tra thực phẩm nhập khẩu bằng mắt thường vì không có thiết bị” - ông Vang cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng than: “Quản lý thị trường cả nước có 5.400 người, rải đều trên 63 tỉnh, thành thì quá mỏng. Trang thiết bị cũng vậy, thời gian vừa qua vẫn chủ yếu kiểm tra bằng mắt. Chúng tôi đề nghị trang bị xe chuyên dụng và thiết bị kiểm tra nhanh trên đường nhưng hai năm qua vẫn chưa thực hiện được”.

“Công tác VSATTP mà đầu tư thế này: người thì 9+3 (trình độ lớp 9, trung cấp ba năm - PV) trong khi sau 20 năm đổi mới, lượng thịt một người dân tiêu dùng tăng gấp năm lần, trứng và sữa tăng gấp 15 lần thì tránh sao khỏi ăn bẩn. Cả nước có 12 thanh tra chuyên ngành về VSATTP thì khác nào tôi dẫn một tiểu đội đi đánh ba sư đoàn của địch...” - phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khiến nhiều người cười chua xót. “Tôi nghĩ giải pháp có ba cái: pháp luật cho rõ ràng; tuyên truyền cho mạnh; xử lý cho nghiêm” - ông Triệu nhấn mạnh.

Trách nhiệm chung chung, giải pháp mù mờ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì bản báo cáo tuy đầy đủ về số liệu và nói rõ nguyên nhân nhưng lại chưa tìm ra được giải pháp đột phá, mấu chốt nhất. “Người dân đang mong đợi chúng ta đưa ra được những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Ví dụ như hiện tại chỉ quản lý được hơn 8% diện tích rau sạch, vậy thì lộ trình năm năm, 10 năm sẽ nâng tỷ lệ quản lý lên bao nhiêu? Có sáu điểm tồn tại yếu kém thì năm điểm liên quan đến bộ máy. Chúng ta đề xuất phải có cơ quan chủ trì đủ mạnh thì đó là cơ quan nào, nó độc lập hay trực thuộc nơi đâu?” - bà Mai đặt vấn đề.

Các phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Huỳnh Ngọc Sơn, Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Quang Bình đều yêu cầu đoàn giám sát phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể trước tình trạng trên. “Nên nêu rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng yếu kém như thế. Trách nhiệm thì chung rồi nhưng trong đó bộ, ngành nào là chính, cụ thể là ai” - ông Sơn nói. Tình trạng ở ta hiện nay như ông Triệu từng trả lời chất vấn trước QH là “từ trang trại đến bàn ăn phải qua năm bộ, Bộ Y tế chỉ quản lý từ bếp ăn lên miệng người tiêu dùng thôi”. Vì vậy, ông Lưu đề nghị tới đây làm Luật VSATTP phải quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành chứ không thể để tình trạng cha chung không ai khóc như hiện tại.

Nguy cơ lớn cho giống nòi

Báo cáo giám sát cho thấy: Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước, diện tích trồng quả an toàn khoảng 20%. Ở một số TP lớn như TP.HCM cũng chỉ kiểm soát được 20%-30% nhu cầu rau xanh. Đối với thịt và sản phẩm thịt tươi sống, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và tồn dư hóa chất ở mức cao hơn so với rau quả. Trung bình mẫu thịt, sản phẩm từ thịt tươi sống đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là hơn 68%, giai đoạn 2007-2008 là gần 63%. Mỗi năm có trên 6.000 người bị ngộ độc thực phẩm và 53 người trong số đó chết.

Vẫn theo kết quả giám sát, hiện cả nước chỉ có 617 cơ sở giết mổ đảm bảo VSATTP, chiếm 3,6% tổng số cơ sở giết mổ. Việc vận chuyển thịt, gia súc, gia cầm tươi sống không tuân thủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Báo cáo cũng chỉ rõ bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người và giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP. Hiện có tới 400 bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm...



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường