Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội: Tổng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
22 | 04 | 2009
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập 6 đoàn liên ngành triển khai thanh, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật và Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước nguy cơ dịch tiêu chảy cấp bùng phát trở lại, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và bệnh SARS, cúm A/H5N1 ở người, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là bệnh tiêu chảy cấp.
 
Ngay trong tuần này, các quận huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào thứ bảy, chủ nhật, đồng thời ra quân xử lý các vi phạm vệ sinh môi trường trên địa bàn.
 
Riêng huyện Từ Liêm, địa bàn vừa phát hiện có bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả tại xã Xuân Đỉnh phải tiến hành khử khuẩn bằng cloramin B trên toàn bộ địa bàn xã.
 
Thành phố sẽ đồng loạt ra quân tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đặc biệt đối với dịch vụ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, các nguồn nước, nguồn rau, lò mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Y tế sẽ lấy mẫu nước tại các cống rãnh để xét nghiệm phát hiện sớm phẩy khuẩn tả. Ngành cũng phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và cơ số thuốc để cấp cứu người bệnh khi cần thiết.
 
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện dịch sốt phát ban dạng sởi phát triển mạnh trên quy mô rộng với 1.975 ca mắc, trong đó 432 ca dương tính với sởi, 6 ca dại lên cơn và 41 ca nghi sốt xuất huyết, 1 ca tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả.
 
Trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè như tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản rất cao, người dân trên địa bàn lại đang chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh, chưa tự giác thực hiện các thói quen vệ sinh, còn dùng phân tươi nuôi cá, bón ruộng, sử dụng thực phẩm không an toàn, mắc bệnh không đến ngay cơ sở y tế, trốn viện khi chưa khỏi bệnh làm công tác quản lý nguồn lây rất vất vả.
 
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để từ quá trình chế biến, sản xuất, lưu thông dẫn đến việc kiểm soát nguồn thực phẩm ô nhiễm khó khăn. Tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn thấp cũng là nguy cơ bùng phát các bệnh dịch lây qua đương tiêu hóa.


Nguồn: www.vietnamplus.vn
Báo cáo phân tích thị trường