Ông Nguyễn Như Tiệp, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqaved, Bộ NN-PTNT), cho biết, tất cả các mẫu phân bón lấy tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và Quảng Ninh đều là phân bón kém chất lượng.
Đó là kết quả kiểm tra liên ngành giữa Nông nghiệp, Y tế và Công an gần đây. Còn trên quy mô cả nước, theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, số phân bón kém chất lượng cũng chiếm tới gần một nửa.
Chẳng hạn, ngay trên địa bàn Hà Nội, con số DN phân bón vi phạm về chất lượng là 19/60 cơ sở. Tại Quảng Ninh, 1.500 tấn phân bón nghi ngờ kém phẩm cấp cũng đang được niêm phong, chờ kết quả phân tích.
Mới đây nhất, Cục Cảnh sát Môi trường đã kiểm tra đột xuất bốn công ty sản xuất phân bón lớn là Nam Điền, Bình Nguyên, Mặt trời xanh và Khánh Sinh. Kết quả, cả bốn DN này đều chưa có phòng kiểm nghiệm, phân tích chất lượng phân bón thành phẩm theo quy định. Mẫu phân bón thành phẩm đã được gửi đi phân tích, nếu vi phạm chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Quảng nhận xét, việc cấp phép sản xuất phân bón dễ dãi dẫn đến tình trạng, chỉ 30-40% DN phân bón có dây chuyền công nghiệp, còn 60-70% sản xuất theo công nghệ “cuốc xẻng”, mua nguyên liệu về trộn thủ công... rồi đóng bao đem bán.
Ngoài ra, việc kiểm soát các mặt hàng khác như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phụ gia thực phẩm... nhập khẩu qua biên giới cũng "rối như canh hẹ". Độc hại nhất là phụ gia thực phẩm, hết cloramphenicol lại đến melamine và tới đây không biết là gì. Hơn nữa, có đến 90% thuốc BVTV dùng ở Việt Nam đều qua nhập khẩu, mà 10-15% trong số này không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tình trạng vi phạm còn xảy ra tràn lan ở rất nhiều mặt hàng thực phẩm. Kết quả giám sát năm 2008 trên thịt lợn và thịt gà tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, gần 80% số mẫu nhiễm vi khuẩn đường ruột E.coli.
Nghiêm trọng hơn, trên các loại thịt trên có mẫu còn chứa dư lượng các chất có thể gây ung thư như Salbutamol và Clenbuterol.
Tổng kết một năm triển khai Chỉ thị 3246 về việc tăng cường kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho rằng, chúng ta mới chỉ làm được như “khuấy nước trên mặt”.
Bộ NN-PTNT đã triển khai, nhưng ở dưới tỉnh, huyện, xã và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa mấy chuyển biến. Ý thức của người dân cũng chưa chuyển biến.
"Liệu có phải do quy chế xử phạt chưa đủ nặng, chưa đánh thẳng vào trách nhiệm và lương tâm của người sản xuất. Cần phải công bố công khai tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm chất lượng VSATTP để người tiêu dùng biết và không tiêu dùng", ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, thời gian tới, các nhà khoa học nên chú ý vào nghiên cứu và đưa ra những danh mục chất độc hại mới. Cục Thú y và cục BVTV nên đặt hàng với các nhà khoa học. Đặc biệt, Vụ KHCN và Môi trường cần có kinh phí hàng năm cho vấn đề nghiên cứu về VSATTP.
Sắp tới, Việt Nam cũng nên tính đến phương án khoanh vùng để kiểm tra chặt chẽ, chặn hàng kém chất lượng vào Việt Nam. Hiện các khu vực biên giới đã áp dụng các bộ test để thử nhanh. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật này mới chỉ kiểm tra được định tính, trong khi đó, pháp luật quy định muốn bắt giữ và xử phạt hàng kém chất lượng cần phải có các thông số kiểm tra theo định lượng.