Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam vào WTO: Nông dân được hỗ trợ như thế nào?
30 | 08 | 2007
Tương lai, cơn lốc hàng ngoại nhập sẽ tràn vào thị trường Việt Nam (VN) khi chúng ta gia nhập WTO. Sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khi sức cạnh tranh của nông sản VN quá thấp, nông dân thì quá yếu thế.
Nông dân chưa có khái niệm gì về WTO

"Gia nhập WTO, chúng ta có thể thâm nhập thị trường nông sản thế giới với kim ngạch 548 tỉ USD/năm. Nông sản, thủy sản xuất khẩu của VN sẽ chịu mức thuế thấp nhất, nhiều hàng rào phi thuế quan sẽ được bãi bỏ... Thế nhưng nông dân sẽ là người chịu khổ nhiều nhất", đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế khi dự báo về tương lai của nông sản VN.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, ngay việc giảm thuế nhập khẩu hàng nông sản theo thỏa thuận với Mỹ mà trước hết là thịt bò, thịt heo, thì sản phẩm trong nước cạnh tranh sẽ rất khó khăn, bởi giá thành chăn nuôi trong nước hiện rất cao. Chưa kể hàng loạt mặt hàng nông sản chế biến từ nhiều nước khác, nhất là từ Trung Quốc sẽ khiến nông sản nước ta cũng khó "địch" nổi ngay trên sân nhà.

Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN nhận định: "Nông dân hiện nay hầu như chưa có khái niệm gì về WTO mà họ chỉ nghĩ đơn giản đó là công việc của Nhà nước, như vậy làm sao có thể cạnh tranh khi hội nhập? Muốn cạnh tranh, trước hết phải bắt đầu từ chất lượng sản xuất, phải có sản phẩm chất lượng cao thì mới cạnh tranh được. Trong khi đó thực trạng hiện nay của VN là sản xuất manh mún, chất lượng quá kém. Ngay khi chưa gia nhập WTO, hiện nay trái cây VN đã bị lấn sân bởi trái cây ngoại rồi...".

Trong lĩnh vực sản phẩm chăn nuôi, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh (TP.HCM) nhận định: "Ngành chăn nuôi có thể gặp khó khăn, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước sẽ khó cạnh tranh lại với các sản phẩm cao cấp của Mỹ". Riêng đối với thịt gà, ông Minh cho biết các doanh nghiệp trong nước sẽ thua lớn, bởi vì vì ưu thế lớn nhất của Mỹ là chỉ tiêu thụ phần ức gà, còn lại là xuất khẩu nên giá thành cực rẻ. Người nuôi bò, heo thì có thể "sống" cầm chừng vì người tiêu dùng hiện chưa quen với việc sử dụng thịt heo, bò đông lạnh.

Bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp có ảnh hưởng gì

Theo cam kết đa phương của VN trong các phiên đàm phán gia nhập WTO, các trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản sẽ phải được bỏ ngay lập tức. Thông tin này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dường như không gây cú sốc quá lớn.

Ông Nguyễn Văn Lãng, Tổng thư ký Hiệp hội Cây điều VN cho biết: "Mặt hàng điều xuất khẩu mỗi năm mang về hàng trăm triệu USD nhưng có được Nhà nước hỗ trợ gì đâu, chỉ có đầu năm nay là được phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại ngành điều trị giá 600 triệu đồng, nếu VN thực hiện cam kết bỏ hỗ trợ xuất khẩu nông sản thì tôi nghĩ không ảnh hưởng gì nhiều".

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN cũng có nhận định: "Các hỗ trợ từ phía Nhà nước để giữ giá, trữ hàng đều đã được bỏ từ nhiều năm trước. Hình thức hỗ trợ xuất khẩu còn lại hiện nay là thưởng xuất khẩu nhằm khuyến khích doanh nghiệp tìm được thị trường mới, mặt hàng mới... cũng được Bộ Thương mại thông báo xóa bỏ trong năm nay. Tôi nghĩ rằng việc cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu thật ra không ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng gạo".

Theo bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN: "Tôi nghĩ không nên quá lo ngại về việc cắt trợ cấp xuất khẩu đối với nông nghiệp. Vì lâu nay khoản trợ cấp này có bao nhiêu đâu, mà cách làm cũng không hiệu quả, thưởng thì chưa thỏa đáng mà thủ tục lại phức tạp...Đây là dịp để chúng ta nhìn lại và làm cho cơ bản hơn. Chẳng hạn, Nhà nước phải đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu phát triển mới mong có được những loại cây hay con giống đủ khả năng cạnh tranh. Phải đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu thị trường. Doanh nghiệp tham gia thị trường còn rất thiếu những thông tin loại này để lường được chi phí, cách tiếp cận cho phù hợp... Một điều tôi muốn nói nữa là lâu nay hỗ trợ của Nhà nước nếu có cũng chủ yếu chảy vào các công ty nhà nước nhưng điều oái ăm là những công ty này lại lỗ lã, làm ăn không hiệu quả. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cà phê, tổng công ty đâu có hoạt động hiệu quả và năng động như các công ty tư nhân nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi. Chúng ta phải thay đổi căn bản, nên tái cấu trúc các công ty nhà nước để những công ty này hoạt động một cách bình thường, theo đúng nghĩa kinh tế thị trường".

Hỗ trợ phù hợp với quy tắc WTO

Theo ông Đoàn Ngọc Bông, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, để hội nhập WTO một cách hiệu quả, trước hết, Nhà nước cần có ngay chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Hỗ trợ theo lối mới, phù hợp với quy tắc chung của WTO. Cụ thể, Nhà nước cần chăm lo phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn (như đường sá, điện, thủy lợi), ứng dụng công nghệ mới, cung cấp thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực...

Một trong những tín hiệu khá lạc quan là đang có nhiều doanh nghiệp lập chương trình tiếp sức cho nông dân. Từ giữa năm nay, hệ thống siêu thị bán sỉ Metro đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của 12 nhà sản xuất nông sản ở TP.HCM. Đây là kết quả từ đơn đặt hàng của UBND TP.HCM trong việc hỗ trợ chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố. Giữa tháng 7 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGGPS) triển khai chương trình huấn luyện nông dân sản xuất rau an toàn theo quy trình sản xuất tốt (GAP) dành cho nông dân 22 tỉnh thành phía Nam, nhằm giúp nông dân nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hội Nông dân VN cũng tổ chức chương trình tôn vinh những sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo cơ hội cho nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó giải thưởng "Trâu vàng đất Việt" lần đầu tiên được xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp được xem là bước tiến lớn trong việc tạo thương hiệu cho nông sản VN. Ông Vũ Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân VN cho biết: "Hội đang cố gắng hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn nữa về mặt trình độ sản xuất và kinh doanh để thành phần này có thể cạnh tranh được khi hội nhập. Tháng 10 năm nay, Hội chợ tôn vinh nông sản VN lần đầu tiên sẽ được diễn ra cùng với danh hiệu "Trâu vàng đất Việt" sẽ tạo cơ hội giao thương nhiều hơn nữa cho nông dân".



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường