Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế có vai trò quan trọng và đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Ngoài việc đáp ứng về cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày một tăng với 85 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản năm 2006 đã đạt trên 7,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2005. Một số ngành hàng đã có vị thế quan trọng trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, lâm sản…Có được những thành công đó, một mặt là nhờ đóng góp của người nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, mặt khác là do có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các chính sách nổi bật trong nông nghiệp có thể kể đến là xây dựng cơ chế chính sách khoán ruộng đất, rừng cho người nông dân; tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ cũng được từng bước được nâng lên và điều chỉnh dần theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách của ta vẫn còn nhiều điểm bất cập so với nhu cầu của ngành nông nghiệp cũng như là so với các cam kết trong WTO.
Bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra các yêu cầu Việt Nam phải mở cửa thị trường, cắt giảm thuế và tiến tới thực hiện một khu vực phi thuế quan. Việt Nam không được thực hiện các biện pháp trợ cấp làm bóp méo thương mại, đặc biệt là các biện pháp trợ cấp xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam khi gia nhập WTO còn phải thực hiện những biện pháp ngặt nghèo hơn các nước khác như: Kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ và các rào cản kỹ thuật thương mại.
Duy trì chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh những chính sách “Hộp xanh mới”
Hầu hết các chính sách hỗ trợ trong nước đều thuộc chính sách hộp xanh và hộp phát triển (là các chính sách WTO cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng), vì vậy có thể tiếp tục duy trì. Theo số liệu thống kê đàm phán gia nhập WTO, cơ cấu chính sách hỗ trợ trong nước cho ngành nông nghiệp (giai đoạn 1999-2001) cho thấy các chính sách thuộc nhóm hộp xanh (được phép áp dụng) của Việt Nam chiếm 84,5% tổng nhóm hỗ trợ trong nước, tập trung chủ yếu trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, các chương trình hỗ trợ vùng, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dự trữ công vì mục đích đảm bảo an ninh lương thực. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kiểm tra giám sát dịch bệnh và sâu bệnh, hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số chi hỗ trợ trong nhóm hộp xanh, mới chiếm tỷ lệ khoảng 1-3%.
Các chính sách hỗ trợ trong nhóm chương trình phát triển Việt Nam đang áp dụng chiếm 10,7% tổng nhóm hỗ trợ trong nước. Chủ yếu dưới các hình thức hỗ trợ cho 1 số chương trình hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho mía đường, sản xuất sữa, chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất thấp cho người nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (bỏ trồng cây thuốc phiện).
Nhóm Chính sách “Hộp xanh” năm 2001
Nguồn: WTO document WT/ACC/SPEC/VNM/3/Rev.5, Bénédicte Hermelin(2005).
Ở nông thôn Việt Nam hiện nay, vẫn còn hơn 78% hộ nông thôn vẫn dựa vào nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp do quá trình chuyển đổi kinh tế diễn ra rất chậm, trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp và cây lúa vẫn là nguồn sống của nông dân. Kết quả hoạt động “Rà soát các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Hiệp định nông nghiệp và đề xuất chính sách phù hợp với quy định của WTO” do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (Bộ Thương mại hợp tác với Uỷ ban Châu Âu) cho thấy, nhiều chính sách WTO không cấm, nhưng Việt Nam chưa sử dụng. Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế này, các chính sách trợ cấp cho điều chỉnh cơ cấu thông qua chương trình rút các nguồn lực khỏi sản xuất nông nghiệp là chính sách WTO không cấm, tuy nhiên thực tế Việt Nam lại chưa sử dụng nhiều. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nông dân sản xuất giảm thiểu các thiệt hại, Việt Nam được phép áp dụng các chính sách chi trả trực tiếp cho người sản xuất thông qua việc hỗ trợ riêng cho thu nhập, các chương trình bảo hiểm thu nhập và mạng lưới an sinh thu nhập, Chính phủ cấp thêm thu nhập hoặc miễn thuế cho nông dân, chi trả cho các chương trình môi trường để hỗ trợ sản xuất tại các vùng khó khăn.
Trong bối cảnh hội nhập, xu hướng thặng dư thương mại giảm được dự báo sẽ diễn ra gay gắt. Theo Ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại, Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng các chính sách nhằm:
* Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản xuất trong nước bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng
* Tập trung nhiều hơn vào những chủ trang trại tư nhân
* Tập trung vào xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin tới nông dân
* Nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng, sức khoẻ cây trồng vật nuôi.
Là thành viên của WTO, các chính sách hỗ trợ sẽ chuyển từ biện pháp “hộp đỏ” sang các “hộp xanh”, vì vậy Việt Nam cần nhắm vào các loại hàng hoá mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, và áp dụng các biện pháp “hộp xanh mới”.
Một vài chính sách “Hộp xanh lá cây” mới có thể áp dụng cho Việt Nam Tăng cường phạm vi và việc áp dụng các dịch vụ tư vấn (áp dụng GAP) Huấn luyện cho nhà chế biến (GMP) Cải thiện các công cụ tiếp thị Nâng cao hiệu quả các kênh phân phối Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng SPS và cải tiến chất lượng Thực hiện khả năng truy tìm nguồn gốc Đẩty mạnh các dịch vụ tẩy trùng, thanh tra Đẩy mạnh các chính sách nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm của nông dân Đẩy mạnh việc tập hợp các thửa ruộng nhỏ lẻ thành các trang trại lớn (cả trang trại gia đình) Bổ sung khối lượng thức ăn chăn nuôi để tăng sản lượng (ví dụ sữa, trứng) và chất lượng (ví dụ thịt bò) Nguồn: Antonio Cordella, Hội thảo Rà soát các nghĩa vụ của Việt Nam đối với Hiệp định Nông nghiệp và đề xuất chính sách phù hợp với quy định của WTO, 4/2007 |