Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp trên đường hội nhập
28 | 07 | 2007
Tham gia tiến trình toàn cầu hóa, người nông dân Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường. Song với trình độ sản xuất còn thấp, họ cũng sẽ gặp nhiều bất lợi do các nước đã phát triển thường có những biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nền nông nghiệp của mình.

(Báo Nông thôn ngày nay): Tham gia tiến trình toàn cầu hóa, người nông dân Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường. Song với trình độ sản xuất còn thấp, họ cũng sẽ gặp nhiều bất lợi do các nước đã phát triển thường có những biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nền nông nghiệp của mình.Số liệu thống kê của 16 nước công nghiệp phát triển (OECD) cho thấy tổng số tiền họ đã trợ cấp cho sản xuất và xuất khẩu nông phẩm của họ cũng như thu từ việc thiết lập các rào cản thuế quan cho nông phẩm nhập khẩu trong năm 2001 lên đến 230,7 tỷ USD, trong số này, riêng phần của Mỹ là 49 tỷ USD, Nhật Bản 47,2 tỷ USD và Hàn Quốc 16,8 tỷ USD.

Chính sách bảo hộ nông nghiệp của OECD cho thấy tuy trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp và năng suất lao động của họ rất cao (hai triệu nông dân Mỹ sản xuất một số lượng lương thực bằng 370 triệu nông dân Trung Quốc), nhưng một số không nhỏ sản phẩm nông nghiệp của họ vẫn không thể cạnh tranh với các nông phẩm cùng loại của các nước nông nghiệp đang phát triển, lý do chính là vì yêu cầu về mức thu nhập bình quân của nông dân các nước OECD lớn hơn rất nhiều đồng nghiệp của họ tại các nước đang phát triển, dẫn đến giá nông phẩm của họ cao hơn trên thị trường. Những phán quyết của chính quyền Mỹ liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá cá basa, tôm nuôi vào thị trường Mỹ của các nhà xuất khẩu Việt Nam và các nước đang phát triển khác phản ánh rõ rệt chính sách bảo hộ nông nghiệp của các nước công nghiệp phát triển. Họ vẫn muốn tiếp tục duy trì một lực lượng nông dân, dù nhỏ, và một nền nông nghiệp tiên tiến, dù với một giá phải trả cao về kinh tế và cả về ngoại giao.

Điều này cũng cho thấy rằng, không có gì đáng lo và đáng sợ đối với nông dân Việt Nam trên bước đường hội nhập. Nông dân Việt Nam cũng nhận được những sự giúp đỡ quý giá của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, về con giống, cây giống, về giáo dục khuyến nông, nhưng đây là những sự giúp đỡ gián tiếp và vẫn được WTO chấp nhận duy trì. Nước ta vẫn đang thiết lập nhưng rào cản về thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu (khoảng 30% so với 252% của EU, 121% của Mỹ và 120% của Canada), nhưng việc dỡ bỏ rào cản này sau khi vào WTO không gây ảnh hưởng nhiều đối với nông dân Việt Nam cũng như đối với ngân sách Nhà nước vì giá trị nông sản nhập khẩu không lớn và người tiêu dùng Việt Nam vẫn quen dùng nông sản Việt Nam hơn. Các khoản trợ giá trực tiếp cho nông sản như trợ giá sản xuất trợ giá xuất khẩu rất nhỏ và hầu như không có. Nông dân Việt Nam rõ ràng oan ức khi bị kiện bán phá giá tôm nuôi và cá basa. Với chi phí lao động thấp và yêu cầu về mức thu nhập rất khiêm tốn của nông dân Việt Nam, thêm vào đó, với bản chất thông minh, ham học hỏi, cần cù lao động, cầu tiến, không bảo thủ, nông dân ta có khả năng tiếp thu rất nhanh công nghệ nuôi trồng mới để cải tiến kỹ thuật nuôi trồng, giảm giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Nhưng lợi thế đó đây, đang và sẽ tiếp tục giúp cho giá thành nông sản xuống thấp, khiến cho nông sản Việt Nam được chào bán trên thị trường thế giới với một giá rất cạnh tranh. Chưa vào WTO, cá basa và tôm nuôi của Việt Nam đã thắng thế trên thị trường Mỹ. Việt Nam đang là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà-phê, hạt tiêu, hạt điều. Viễn cảnh của thị trường nông sản thế giới trong những thập niên tới rất lạc quan cho chúng ta, với tư cách là một nước xuất khẩu ròng nông sản. Trung Quốc đang trở thành một thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và điều đó sẽ gây một tác động không nhỏ lên giá gạo trên thị trường thế giới. Trên đà công nghiệp hóa mạnh mẽ, số lượng đất canh tác của Trung Quốc đang giảm từ 90 triệu ha năm 1998 còn 76 triệu ha năm 2003, khiến cho sản lượng màu quy thóc giảm từ 392 triệu tấn năm 1998 còn 322 triệu tấn năm 2003. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng trong năm 2005, Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập khẩu ròng 14 triệu tấn lương thực, ngũ cốc. Con số này sẽ tăng lên 19 triệu tấn vào năm 2010 và 57 triệu tấn vào năm 2003. Các nước Phi châu sẽ chưa cải thiện được nhanh chóng tình trạng thiếu hụt nông phẩm của họ trong thập niên tới, và họ vẫn còn là những nước nhập khẩu ròng nông sản, bằng nguồn tài chính của họ hay bằng viện trợ quốc tế. Điều hiển nhiên là trên tiến trình hội nhập, nông dân Việt Nam - với những ưu thế sẵn có của mình đang có nhiều cơ hội hơn để làm giàu từ thị trường nông phẩm đang ngày càng mở rộng của thế giới.

Nhưng không phải là không có những thách thức lớn. Báo cáo gần đây của tổ chức OXFAM cho rằng, việc gia nhập WTO sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hai mặt hàng nông sản là cây mía đường và cây bắp vì đây là hai mặt hàng mà EU và Mỹ có thế mạnh. Tuy nhiên, ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP Việt Nam lại cho rằng, đây là hai mặt hàng mà nông dân Việt Nam không có lợi thế, do đó nếu nhập bắp với giá rẻ từ Mỹ về làm thức ăn gia súc thì vẫn tốt hơn.

Mặt khác, vấn đề công nghiệp hóa và cơ khí hóa nông nghiệp để tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam sau khi vào WTO vẫn đang là một bài toán khó.

Có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển nhượng công nghệ, phương pháp và sáng kiến nông nghiệp từ những nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển, chẳng hạn như thiếu vốn đầu tư và hệ thống tín dụng nông nghiệp và nông thôn, thiếu hoặc chưa có đủ các hành lang pháp lý nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không đủ khả năng và nguồn tài chính để thực hiện các nghiên cứu khoa học, đặc biệt về sinh học và tổ chức ứng dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là  một điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam.

Về mặt này, không nói gì đến những nước công nghiệp đã phát triển lâu đời như các nước EU hay Bắc Mỹ, ngay cả đối với Thái-lan - một đối thủ cạnh tranh hàng đầu với ta trên lĩnh vực xuất khẩu nông sản, chúng ta còn cần phải nỗ lực rất nhiều, với những bước tiến rất nhanh mới có thể rút ngắn dần khoảng cách hiện đang khá xa về trình độ công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp.

Những con giống, cây giống sẽ sớm thoái hóa nếu không có những con giống, cây giống mới mạnh hơn, tốt hơn thay thế. Cơ khí hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ không thể áp dụng nếu ruộng vườn còn manh mún, trình độ học vấn của nông dân còn thấp và không được sự tài trợ hiệu quả của hệ thống tín dụng. Nhà nông, nhà vườn luôn có yêu cầu chính đáng là được tiếp cận trực tiếp với thị trường thế giới. Nhưng nếu không biết ngoại ngữ, thiếu kiến thức quản trị kinh doanh, tiếp thị, không hiểu rõ nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu, làm thế nào họ có thể thực hiện được mong muốn của mình một cách thành công?

Một trong những vấn đề vừa bức xúc vừa mãn tính phải giải quyết trước mắt và lâu dài là nâng cao trình độ giáo dục phổ thông ở nông thôn. Trình độ dân trí ở nông thôn nước ta nói chung là thấp. Tại ĐBSCL, vựa lúa của cả nước với gần 17 triệu dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 13,4%. Cuối cùng, chúng ta cũng cần xây dựng một cơ chế thị trường hoàn chỉnh, không những chỉ trên thực tế mà còn được xác nhận bởi Hiến pháp và luật pháp nước ta. Sẽ vẫn còn bất lợi cho nhà nông, nhà doanh nghiệp khi Việt Nam đã là thành viên WTO nhưng vẫn bị xem là một nền kinh tế phi thị trường.

Dù muốn hay không, vào WTO chỉ còn là vấn đề thời gian. Kinh nghiệm thực tế cho thấy các thành viên mới luôn luôn phải chấp nhận các điều kiện bất lợi hơn các thành viên cũ để được gia nhập. Nhưng chúng ta cũng không thể mãi mãi đứng ngoài cuộc chơi mậu dịch toàn cầu, chấp nhận làm người buôn bán lẻ bên ngoài chợ quốc tế với những điều kiện thương mại còn bất lợi hơn nhiều. Điều cần làm hiện nay là kết thúc nhanh tiến trình đàm phán để sớm gia nhập vào WTO vì lợi ích lâu dài của nền kinh tế đất nước, trong đó có lợi ích thiết thực của



Báo cáo phân tích thị trường