Những ngày qua, ở ĐBSCL thị trường đường cát vô cùng sôi động. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chế biến trong mấy ngày Tết gia tăng tưởng đây là dịp các nhà máy đường bán hàng ra mạnh, giải thoát tình trạng dư thừa. Nào ngờ đường nội đụng độ đường nhập lậu ngay trên sân nhà, cạnh tranh hết sức căng thẳng.
Giáđường nhập lậu bám sát giá đường nội. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam,đến 20-12-2011 các nhà máy đường trong nước đã ép 2.823.000 tấn mía, sản xuất 217.000 tấn đường, tiêu thụ 144.790 tấn đường, tồn 72.210 tấn đường. Trong khi đó, Bộ Công thương cho biết, đến hết tháng 11-2011 tổng số đường đã nhập 195.948 tấn, bao gồm: Các nhà máy làm nguyên liệu nhập 145.325 tấn; doanh nghiệp thương mại nhập 21.623 tấn; các nhà máy đường nhập 29.000 tấn. Số quota đã cấp chưa nhập còn 54.052 tấn.
Còn nhớ cách đây một tháng, vào tháng 11-2011, đường cát Thái Lan vào mùa sản xuất, bán tại vùng biên giới Tây Nam Việt Nam -Campuchia 18.600-18.700 đồng/kg. Lúc đó các nhà máy trong vùng ĐBSCL bán sỉ giá cạnh tranh 18.400-18.500 đồng/kg. Tuy nhiên, đường của các nhà máy trong vùng tiêu thụ chậm. Đến tháng cuối năm, một số nhà máy đường trước áp lực vốn, cần tiền mua mía, lo lương thưởng Tết cho công nhân... nên sản xuất xong cần bán đường ngay, mức giá cạnh tranh hạ thấp còn 17.700-17.800 đồng/kg. Lúc này đường trắng Thái Lan cũng "đua” giảm theo, chỉ còn từ 17.600 – 17.700 đ/kg, thấp hơn 100 đến 200 đồng/kg so với đường nội địa.
Giám đốc một nhà máy đường công suất lớn tại Hậu Giang than dài: "Sau nhiều năm, cuộc chiến đường nhập lậu và đường nội vẫn chưa ngã ngũ. Hồi trước đường nhập còn vận chuyển lén lút, nhỏ lẻ, nhưng vào cuối năm nay đường nhập lậu gần như công khai, không cần sang bao đổi nhãn mác đường nội như trước kia, cứ ngang nhiên chuyển hàng. Đường nhập tràn lan khắp các thị trường từ thành thị đến nông thôn. Hiện thời đường Thái Lan vào mùa, ngày nào hàng cũng bán qua biên giới ào ào, chỉ trừ ngày lễ bên nước họ hàng ngưng gián đoạn 1-2 ngày. Các nhân viên kinh doanh giám sát mãi vụ khu vực chợ vùng biên cũng cho biết: Mỗi ngày, có khoảng 500 tấn đường chuyển qua. Nhưng đó chỉ là thông tin bề nổi, vì khó có thể ước đoán chính xác mỗi ngày có bao nhiêu tấn đường đưa sang tiệu thụ ở miền Tây và TP.HCM”.
Hệ lụy từ đường nhập lậu cho thấy, dân bán tạp hóa, sạp lẻ tại các chợ mua bán đường lậu chưa đáng trách bằng một số đại lý nhà máy cũng quay qua tiếp tay đưa đường lậu về ép đường nội. Đại lý trước đây mua đường của nhà máy trong nước chẳng qua là cần hóa đơn hợp thức đề phòng tình huống bất trắc xảy ra "che mắt” đường nhập lậu. Chính vì đường nội trong thế "nội công ngoại kích” nên xảy ra tình trạng hàng tồn kho ứ đọng khá nhiều.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, thống kê trong cả nước lượng đường tồn kho trên 200.000 tấn, trong đó 10 nhà máy đường ở ĐBSCL tồn kho khoảng 73.000 tấn. Trong khi mức tiêu dùng bình quân cả nước khoảng 60.000-70.000 tấn/tháng, còn nhu cầu cao điểm từ nay đến Tết chỉ còn nửa tháng tới là kết thúc, với mức tối đa khoảng 100.000 tấn. Tình hình đường sản xuất trong nước dư thừa và đang cạnh tranh "sát sườn” với đường nhập lậu nên khó có chuyện sốt giá xảy ra.
Hiện nay, tuy đường giảm giá nhưng giá mía trong vùng không giảm mà còn tăng. Tại Phụng Hiệp, các nhà máy đường thu mua mía 1.170 đồng/kg, tăng thêm 100 đồng/kg so tháng 11-2011. Giám đốc các nhà máy đường giải thích: Chỉ còn cách gia tăng sản xuất, tạo nguồn cung nguyên liệu tối đa, tăng công suất mới mong giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho rằng: Hiệp hội đang tìm giải pháp tháo gỡ trở ngại sản xuất và mở thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ không cho nhập khẩu đường trong tình hình đường sản xuất trong nước dư thừa như lúc này.