Hiện tại, giá đường ở một vài nơi tăng nhẹ, giá bán lẻ đường RE phổ biến 9.000-10.000 đ/kg (miền Bắc), 8.000-9.000 đ/kg (miền Nam), tại Hà Nội giá đường tăng 500 đ/kg lên 10.000 đ/kg (RE), 8.500 đ/kg (đường vàng), tại T.P HCM: giá bán buôn hầu hết các loại đường ổn định.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT tính đến hết tháng 5/2007 chỉ còn lại 2 nhà máy ở khu vực ĐBSCL và Tuy Hoà còn sản xuất, các nhà máy khác đã cơ bản kết thúc vụ sản xuất mía đường 2006/07. Trong tháng 5/2007 các nhà máy đã ép 650.000 tấn mía, sản xuất được 70.000 tấn đường, luỹ kế từ đầu vụ đến hết tháng 5/2007 các nhà máy đường trên cả nước đã ép được 11.974.000 tấn mía, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; tổng lượng đường sản xuất được ước đạt 1.117.000 tấn, tăng 49% so với cùng kỳ (trong đó miền Bắc đạt 351.500 tấn, miền Trung và Tây Nguyên đạt 303.000 tấn, Nam Bộ đạt 462.000 tấn, cộng với lượng đường thủ công khoảng 150.000 tấn. Nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 1,1 triệu tấn, như vậy lượng đường dư thừa niên vụ 2006/07 khoảng gần 200 tấn đường.
Có thể nói niên vụ 2006/07, ngành mía đường nước ta đã đạt được kết quả khá ngoạn mục kể từ 2 năm trở lại đây, cao hơn chỉ tiêu đề ra là 1.259 tấn. Lượng đường không những đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.Từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất khẩu được 5.000 tấn đường tinh luyện sang các nước trong khu vực ASEAN, khu vực Trung Đông, Trung Quốc và Liên bang Nga với trị giá hơn 2 triệu USD, bằng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2006 và đạt hơn 33% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Điều đáng nói là mặc dù giá đường thế giới giảm nhưng đường nhập lậu hiện tại không còn là nỗi lo vì các nhà máy đã nỗ lực hạ giá thành để cạnh tranh.
Dự báo tháng 6/2007 giá đường sẽ ở mức ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng nguồn tồn kho lớn đáp ứng đủ nhu cầu.