Theo đó, VN cam kết điều chỉnh hệ thống chính sách phù hợp quy định của WTO: Không trợ cấp xuất khẩu nông sản ngay khi gia nhập, giảm thuế hàng nông sản…
Bên cạnh cơ hội tiếp cận thị trường, các DN nông nghiệp VN cũng đang phải đối mặt những khó khăn lớn. Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam và WTO” do Bộ NN&PTNT và Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hôm qua, 25-10, đã làm rõ những thách thức…
Đất đai: Rào cản lớn nhất
TS. Chu Tiến Quang - Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương phân tích: Một trong những khó khăn đối với DN nông nghiệp chính là những rào cản về tiếp cận đất đai. Theo ông Quang, mặc dù pháp luật về đất đai của VN đã khá thông thoáng nhưng trên thực tế những rào cản lại nảy sinh trong việc thực thi pháp luật về đất đai.
TS. Quang nói: “Đáng tiếc là những vướng mắc từ việc thực thi này đến nay vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm”. Các DN dân doanh khó thuê đất hơn nhiều so với các DNNN; các DNNN dễ dàng hơn trong việc thế chấp đất khi vay vốn ngân hàng. Đó là sự bất công bằng.
Rất nhiều DN tại hội nghị cũng chung bức xúc về chính những bất cập trong việc phân biệt đối xử giữa các loại hình DN. Và họ cho rằng, điều đó tạo ra sự hạn chế đối với các DN vừa và nhỏ ngành nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập WTO…
Bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng chỉ ra những tác động lớn của việc gia nhập WTO đối với DN nông nghiệp VN. Đó là việc phải đối mặt những tiêu chuẩn bắt buộc cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng nông sản; cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế và chất lượng, giá cả ngày càng tăng.
Các biện pháp hỗ trợ kinh doanh xuất khẩu nông sản không phù hợp WTO phải bãi bỏ, hệ thống mới chưa hình thành nhưng những thách thức cạnh tranh sẽ đến ngay… khiến DN rất khó đối phó.
Cũng theo bà Lan, có 3 vấn đề kinh tế vĩ mô cần giải quyết sau khi gia nhập WTO: Hoàn thiện thể chế thị trường càng sớm càng tốt; thực hiện triệt để các cải cách kinh tế và chính sách kinh tế xã hội quan trọng; điều chỉnh các chiến lược phát triển.
Để tháo gỡ khó khăn, theo TS Chu Tiến Quang, cần phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Trước đại diện nhiều tổ chức chính trị, thương mại quốc tế, ông Quang cho rằng Chính phủ các nước thành viên WTO phải cắt giảm các biện pháp cạnh tranh không bình đẳng như trợ giá, trợ cấp xuất khẩu…
Về phía VN, theo ông Quang, phải chủ động quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyển đổi sang công nghiệp, dịch vụ rõ ràng và mang tính dài hạn; ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng...
Nhiều doanh nghiệp sẽ “chết”
Số phận các DN nông nghiệp VN sẽ ra sao là câu hỏi được nhiều nhà quản lý, chuyên gia và DN quan tâm nhất. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nêu ra những điểm yếu cơ bản của ngành nông nghiệp VN: Trình độ phát triển thấp; quy mô sản xuất nhỏ bé, manh mún; năng suất thấp; chất lượng nhiều loại nông sản chưa cao…
Hầu hết các DN nông nghiệp của VN đều thuộc loại vừa và nhỏ, trong đó 60% DN nông lâm nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của hầu hết các DN nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác, sẽ bất lợi khi vào “sân” WTO.
Báo cáo tại hội nghị cho biết: Năm 2003, doanh thu bình quân của DN nông nghiệp chỉ đạt 52 triệu đồng/LĐ, lợi nhuận trước thuế đạt 8 triệu đồng/LĐ. Đáng nói, hơn 1/4 số DN nông nghiệp làm ăn thua lỗ, sẽ khó đứng vững khi VN gia nhập WTO.
Các DN thuộc ngành mía đường, rau quả, chăn nuôi sẽ phải chịu nhiều áp lực từ việc mở cửa thị trường nội địa. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về tài chính, hệ thống phân phối, thông tin, trình độ quản lý khi vào kinh doanh tại VN sẽ trở thành đối thủ khó địch đối với các DN nội địa.
Thực tế đó đòi hỏi DN nông nghiệp nước ta hoặc phải nhanh chóng đổi mới, vươn lên để tồn tại và hoạt động có hiệu quả hoặc là chết” - Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ.
* Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường VN: Cần có chính sách giúp nông dân dồn điền đổi thửa Gia nhập WTO, DN mía đường VN sẽ gặp không ít khó khăn. Giá đường trên thế giới hiện không thực sự phản ánh được quan hệ cân bằng cung cầu mà chịu sự tác động của chính sách trợ cấp sản xuất trực tiếp của nhiều nước, nhất là các nước EU trong 40 năm qua luôn duy trì giá đường cao gấp 4 lần so với các giá trung bình trên thế giới, đã bóp méo thị trường đường trên thế giới, gây thiệt hại lớn cho các nước đang phát triển như VN. Hiệp hội Mía Đường đang đề nghị Bộ NN&PTNT có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hoàn thiện các trung tâm giống mía và nghiên cứu khoa học về nông nghiệp mía đường ở cả 3 miền. Đặc biệt, Nhà nước nên có chính sách giúp nông dân dồn điền đổi thửa, quy hoạch xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu mía tập trung chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, có chính sách khuyến nông; ban hành tiêu chuẩn chất lượng mía đường phù hợp tiêu chuẩn chung của ngành đường thế giới… * Ông Mai Đình Luân - Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK hoa quả I: Phải tổ chức lại hệ thống sản xuất, thị trường Trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu rau quả đang có rất nhiều khó khăn vì các nước vẫn sử dụng các rào cản để bảo hộ nền nông nghiệp của họ. Đặc biệt là hệ thống SPS về vấn đề kiểm dịch, kiểm tra thực phẩm theo tiêu chuẩn rất cao. Gia nhập WTO, để tồn tại, không có cách nào khác là phải tổ chức lại hệ thống sản xuất, thị trường và đặc biệt phải tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế được tuyển chọn ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn giống, đến áp dụng kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, chế biến… DN nào hiểu sâu về “sân chơi” WTO và tự hoàn thiện mình thì bước tiếp, còn DN nào thiếu “nhạy cảm”, không bắt kịp xu hướng phát triển của quốc tế thì chắc chắn sẽ bị đào thải. |