Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Sẽ có một số doanh nghiệp và mặt hàng sẽ thất bại khi vào WTO
27 | 07 | 2007
Các doanh nghiệp VN sẽ phải làm gì khi chúng ta gia nhập WTO? Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo giới bên lề họp Quốc hội.

- DN VN hiện có 3 loại: DN Nhà nước, DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN Nhà nước cần tiếp tục cải cách, đổi mới theo hướng cổ phần hóa, đa sở hữu, không chỉ với DN nhỏ mà cả DN vừa, DN lớn; không chỉ với DN sản xuất mà cả với DN dịch vụ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng...

Làm sao phải bảo đảm hai mục tiêu là tăng vốn và đổi mới quản trị kinh doanh. Ta hội nhập nhưng có lộ trình, sẽ còn bảo hộ một thời gian ngắn nữa. Nhưng nếu DN không vươn lên nhanh, cải cách, đổi mới nhanh, nhất là DN Nhà nước thì sẽ rất khó khăn. Hiện khu vực này đang làm ra khoảng trên 40% GDP.

* Các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

- DN tư nhân được hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước như đào tạo, khuyến mãi, xúc tiến đầu tư thương mại... Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, DN tư nhân rất năng động. Chúng ta chủ trương vừa tăng cả số lượng và chất lượng DN tư nhân.

Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã đến lúc cần khuyến khích cao hơn với những lĩnh vực công nghệ cao. Những DN này khi vào WTO sẽ tự đứng vững được ngay. Những DN chỉ lắp ráp, gia công, tranh thủ thị trường thì sẽ không khuyến khích.

* Phó thủ tướng nhận định như thế nào về sức cạnh tranh của các DN khi chúng ta gia nhập WTO?

- Mặc dù đội quân DN là lực lượng chủ lực để vào WTO nhưng không có nghĩa là sẽ thắng hết. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này sẽ có một số DN, một số mặt hàng thất bại. Nhưng cần nhớ rằng "thất bại là mẹ thành công". Những DN còn lại sẽ phải tự sắp xếp, đổi mới để vươn lên. Khi Chính phủ ký kết các điều kiện gia nhập WTO đã đặt một niềm tin rất lớn vào đội ngũ DN.

* Phó thủ tướng lo lắng nhất điều gì khi chúng ta gia nhập WTO?

- Điều làm tôi lo lắng không phải là DN, mà lo về những mặt hàng nông sản, thủy sản, lâm sản... Đó là những mặt hàng liên quan đến đời sống của số đông người dân. Chính phủ không thể hỗ trợ trực tiếp được mà phải hỗ trợ gián tiếp, chủ yếu là lo hạ tầng, thủy lợi, thị trường, công nghệ chế biến...

* Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội, chất lượng của nền kinh tế năm 2006 hầu như không có chuyển biến. Trong khi đó, đây lại là vấn đề quan trọng nhất khi gia nhập WTO?

- Khả năng cạnh tranh phải dựa vào hai yếu tố: công nghệ và quản trị. Ta giải quyết theo hướng công nghệ phải tiếp tục đổi mới. Muốn vậy phải có vốn, nghĩa là đẩy mạnh cổ phần hóa, đưa ra thị trường chứng khoán để gọi vốn, gọi đầu tư nước ngoài. Hiện pháp luật đã cho phép công ty của ta bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Còn đổi mới quản trị cũng dựa trên yếu tố vốn, tạo thêm sức tham gia của người có vốn. Đi theo đó là trình độ quản lý tốt hơn. Nếu làm tốt vấn đề quản trị sẽ giảm được chi phí, tăng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ tiếp tục giúp DN khai thông thị trường, cải cách môi trường đầu tư.



(Theo Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường