Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam đã sẵn sàng trên “sân chơi” WTO?
21 | 08 | 2007
Khi tham gia WTO, chúng ta đã tính tới lợi ích tổng thể và lâu dài của nền kinh tế. Trong đó không thể tránh khỏi việc một số ngành, DN không chịu nổi sức ép cạnh tranh hay bị thua thiệt.
Cánh cửa vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở rộng, chờ đón VN chính thức bước vào ngày 7-11 tới. Chuyên gia tư vấn cao cấp Phạm Chi Lan đã trao đổi, ngày 27-10, với báo chí.

. Phóng viên: Xin bà cho biết nhận định của mình về quá trình đàm phán 11 năm của VN với các bên?

- Bà Phạm Chi Lan: Đây là một sự kết thúc tất nhiên của một nền kinh tế VN liên tục cải cách, phát triển và cởi mở hơn với khu vực và thế giới trong thời gian qua. Đó cũng là một kết thúc tốt đẹp, bảo đảm được lợi ích của các bên liên quan, trong đó lợi ích của VN được bảo đảm ở mức cao. Các cam kết ở mức hợp lý và VN có thể thực hiện được. Việc tham gia WTO chắc chắn sẽ mở ra một chương mới trong phát triển quan hệ kinh tế của VN với cộng đồng quốc tế.

. Nhiều người vẫn cho rằng vào WTO là một thách thức rất lớn đối với kinh tế VN. Vậy bà có cho rằng tham gia WTO sẽ tạo ra một cú sốc đối với một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh thấp như VN?

- Tôi không nghĩ rằng có một cú sốc nào xảy ra với kinh tế VN. Trên thực tế, VN đã có những cọ xát, cạnh tranh khá sòng phẳng với các nền kinh tế khu vực và thế giới trong những năm mở cửa vừa qua. Những câu hỏi tương tự cũng đã được đặt ra khi VN tham gia ASEAN và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) từ hơn 10 năm trước song thực tế đã chứng minh rằng tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường đã diễn ra một cách “xuôi chèo mát mái” đối với VN. Kinh tế VN đã cho thấy sự đứng vững và phát triển của mình khi thực hiện cam kết giảm thuế xuống 0% - 5% từ năm 2003 đến nay trong khuôn khổ thực hiện AFTA. Tất nhiên gia nhập WTO sẽ có những thách thức mới, rộng lớn hơn đối với kinh tế VN.

. Bà nhìn nhận ra sao trước quan điểm của một thành viên cấp cao trong đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN rằng gia nhập WTO mang lại cơ hội lớn cho quốc gia nhưng lại là thách thức lớn cho doanh nghiệp (DN)?

- Khi tham gia WTO, chúng ta đã tính tới lợi ích tổng thể và lâu dài của nền kinh tế. Trong đó không thể tránh khỏi việc một số ngành, DN không chịu nổi sức ép cạnh tranh hay bị thua thiệt. Đó là lẽ bình thường. Cũng cần thấy rằng sự thua thiệt của DN hay phải rút khỏi thị trường của một vài ngành là những tín hiệu lành mạnh vì chúng ta không thể dàn đều cạnh tranh mà phải tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, có khả năng cạnh tranh. Những ai yếu kém cần nhường lại những nguồn lực mà họ nắm giữ cho những người giỏi hơn, phát triển tốt hơn.

. Rất nhiều người lo ngại trước khả năng cạnh tranh của khu vực DN Nhà nước cũng như các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, nông nghiệp...?

- Đó là những mối lo ngại có cơ sở. Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian dài vừa qua nên khó có thể đứng vững và phát triển khi phải cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, tôi cho rằng xóa bỏ trợ cấp, giúp đỡ của Nhà nước sẽ tạo ra hiệu ứng kép, có thể có những đổ vỡ song những DN nào tiến hành đổi mới, sắp xếp mạnh sẽ trụ vững và vượt qua. Khi mới tham gia AFTA, không ít người đã lo ngại về khả năng cạnh tranh của DNNN nhưng thực tế đã chứng tỏ DN VN nói chung, DNNN nói riêng, đã cạnh tranh khá tốt với hàng hóa trong khu vực như của Thái Lan, Trung Quốc...

. Với kinh nghiệm của mình, bà có cho rằng kinh tế VN hiện đã sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng trên “sân chơi” WTO?

- Không ai dám nói VN đã sẵn sàng 100% và trên tất cả các lĩnh vực để gia nhập WTO. VN đã có những tập dượt, chuẩn bị quan trọng trong thời gian khá dài vừa qua nhưng dù sao nền kinh tế VN vẫn chưa có khả năng cạnh tranh cao. Xuất khẩu của VN có tăng nhanh nhưng đó là tốc độ nhanh của xuất phát điểm thấp (bằng 1/3 của Thái Lan và 2/3 của Philippines), chỉ chiếm 5,5% của khối ASEAN trong khi là nước đông dân thứ hai trong hiệp hội. Đáng chú ý là tín hiệu cảnh báo về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN khi liên tục xuống hạng trong bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)... Thế nên VN không thể chủ quan cho rằng đã hoàn toàn sẵn sàng gia nhập WTO.



(Theo NLD)
Báo cáo phân tích thị trường