Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra: Để không là chuyện may rủi
23 | 04 | 2008
Người nuôi cá sẵn sàng hạ giá thành, mở rộng diện tích, sản lượng. Họ đang mong chờ chính sách lãi suất, tín dụng và tỷ giá hợp lý.
Theo Vasep (hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam), hiện nay cá tra được xuất khẩu đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là mặt hàng một mình một chợ của riêng Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh.

Sẽ tăng sản lượng gấp đôi

Vùng hạ lưu sông Cửu Long phù hợp cho việc nuôi cá tra cũng còn khá lớn. Riêng Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch đến năm 2010 sẽ nâng diện tích từ 1.500ha hiện nay lên 2.500ha. An Giang, nơi có 30% sản lượng chăn nuôi, gần 40% sản lượng chế biến của cả nước cũng đang có kế hoạch phát triển tương tự như Đồng Tháp. Ngoài sáu tỉnh đã phát triển mạnh, Long An cũng bắt đầu có nhiều hộ nuôi cá tra ở quy mô thử nghiệm.

Về mặt sản xuất, việc tăng gấp đôi sản lượng cá tra, nâng giá trị một tỉ đô la xuất khẩu thành hai tỉ trong vài năm sắp tới là khả thi.

Doanh nghiệp sẵn sàng...

Công suất chế biến của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng theo tương ứng, trong đó riêng các công ty Hùng Vương (Tiền Giang), Nam Việt (Đồng Tháp) đã có khả năng chế biến hơn bốn vạn tấn cá mỗi ngày. Các công ty này đã thực hiện mô hình khép kín từ đầu tư sản xuất chế biến đến xuất khẩu, bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời chủ động về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng, đáp ứng ngay cả những thị trường nghiêm nhặt nhất như EU, hay các tiêu chuẩn đặc thù của các quốc gia Hồi giáo.

Để giảm chi phí, giảm giá thành, người nuôi cũng đang thử nghiệm nhiều phương án khả thi. Ông Dương Văn Nhiệp, phó chủ tịch hiệp hội Nuôi thuỷ sản Đồng Tháp cho biết tỉnh hiện có ba hộ chăn nuôi xây dựng nhà máy mini sản xuất thức ăn cho cá công suất từ 10 – 15 tấn/ngày, giảm được từ 500 – 1.000 đồng so với mua thức ăn công nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Khánh, nguyên giám đốc sở Công nghiệp Long An cho biết đang phối hợp với công ty cổ phần cơ khí Long An sản xuất thiết bị, dây chuyền làm thức ăn cá nội địa với giá rẻ, góp phần giảm chi phí giá thức ăn.

Về vấn nạn vệ sinh môi trường, ông Phạm Văn Danh, chủ tịch hiệp hội Nuôi và chế biến thuỷ sản An Giang cho biết đã liên kết với các nhà khoa học lập dự án dùng robot thu hồi đất bùn dưới đáy ao nuôi để sản xuất phân hữu cơ. Đề án đã nghiên cứu thực nghiệm và sẽ triển khai trong năm 2008.

Một tổ chức của Đức đã đầu tư thử nghiệm ở An Giang phương thức nuôi cá tra sinh thái bằng đăng bao dọc các bờ sông. Cá được chọn con giống chuẩn, thả với mật độ thấp, xung quanh đăng bao trồng lục bình hấp thu chất thải… Cá tra sinh thái được xuất khẩu giá hơn 3 euro/kg, cao gấp đôi cá thường.

Người dân vẫn hoang mang

Chuyện nuôi, chuyện làm ra thành phẩm, chạy chợ đều hanh thông. Con số hai tỉ đô la xuất khẩu tưởng như sờ sờ trước mắt có thể đưa tay là lấy được, nhưng bài học từ cơn sốc tài chính tiền tệ vừa qua làm người dân hoang mang. Một nông dân ở huyện Châu Phú (An Giang) chỉ tay vô cái ao nuôi bỏ trống nói như than: “Lỡ giá đô nóng lạnh thất thường hay ngân hàng đóng băng lần nữa chắc tôi phải bán nhà”.

Một chủ hộ nuôi cá ở Lấp Vò (Đồng Tháp) so bì: “Không cho vay ngay lúc cá sắp thu hoạch. Mần ăn vậy nông dân làm sao ngóc đầu lên được?”

Vì vậy giá trị một tỉ, hai tỉ đô la cá tra xuất khẩu hay nhiều hơn, thấp hơn không còn tuỳ thuộc vào người nuôi hay doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà tuỳ thuộc vào chính sách tài chính, tiền tệ, cung cách điều hành của các bộ, ngành.

Ông Phạm Văn Danh lo lắng: “Người nuôi và các doanh nghiệp chế biến đều sẵn sàng nâng sản lượng con cá tra này. Ta một mình một chợ không lo cạnh tranh thị trường, nếu để ngành này mai một thì rất uổng”.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường